Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: P.Tuân
Thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm đầu tư cho phát triển năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, ngành năng lượng đã trở thành ngành kinh tế có quy mô lớn, phát triển năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và từng bước chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Người dân, DN đã có ý thức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển ngành năng lượng được huy động với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các DNNN…
Còn theo Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình: “Ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Việc này dẫn đến yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, giảm khả năng tự chủ về năng lượng và tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cạnh tranh vẫn chưa phát triển đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Trước những vấn đề ngành năng lượng đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu rõ những nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành năng lượng Việt Nam, gồm: tập trung hoàn thiện thể chế; xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Đồng thời, tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm: Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, đến nay, ngành điện đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Ngành than còn khâu cung cấp than cho điện chưa thực hiện theo đúng cơ chế thị trường. Còn ngành khí đã hoạt động cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn mỗi dây chuyền khí, hệ thống khí; cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa đối với các loại LPG, CNG, LNG.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, sớm thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc trong giai đoạn 2026-2030. Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng các đề án này.
Liên quan đến “Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã trình Chính phủ bản Dự thảo và dự kiến được ban hành trong tháng 7/2020. Tuy nhiên, có những việc Bộ đã phải triển khai sớm để có những giải pháp thực hiện khi Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, như: xây dựng Quy hoạch điện VIII - dự kiến trình Thủ tướng vào tháng 10/2020; Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia - dự kiến trình Thủ tướng cuối năm 2020; Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam; tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng năng lượng chính là mạch máu đảm bảo sự lưu thông, vận hành trơn tru của toàn ngành năng lượng. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng bằng cách hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng truyền thông số; hệ thống giám sát, quản lý năng lượng tự động, báo cáo thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng.
QUỲNH ANH