Năm 2018: Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng

(BKTO) - Con số 89.600 tỷ đồng mà KTNN đã kiến nghị xử lý trong năm 2018 được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá là dấu ấn nổi bật nhất của ngành KTNN trong năm qua.



Nỗ lực và quyết liệt nâng cao chất lượng kiểm toán

Theo báo cáo của KTNN, năm 2018, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả. Bám sát định hướng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời chú trọng các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, quá trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2018 của KTNN với 256 cuộc kiểm toán đã được thực hiện một cách chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, KHKT năm 2018 đã công khai rõ các đầu mối, đơn vị được kiểm toán và xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán. Đây là điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước, góp phần tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đối tượng được thanh tra, kiểm toán.

Trước và trong quá trình triển khai nhiệm vụ kiểm toán năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đáng chú ý như: Kế hoạch 643/KH-KTNN ngày 07/5/2018 thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Công điện số 1213/CĐ-KTNN về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; Công điện số 1696/CĐ-KTNN ngày 20/11/2018 về việc chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm toán.

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 6 Đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực mới và chủ động tổ chức tập huấn kỹ, sâu rộng đến từng kiểm toán viên (KTV) nhằm trang bị kỹ kiến thức, phương pháp, kỹ năng, nội dung cần thiết trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công văn số 117/KTNN-CĐ ngày 02/02/2018 yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sau mỗi cuộc kiểm toán tổ chức kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm tại các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, KTV. Để tạo động lực làm việc, góp phần tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hạn chế tối đa những yếu kém trong công tác kiểm toán, KTNN tiếp tục duy trì việc chấm điểm từng thành viên của đoàn kiểm toán. Theo đó, 100% các cuộc kiểm toán sau khi kết thúc đều được đánh giá, chấm điểm, bình xét và xếp loại đối với từng KTV, tổ trưởng tổ kiểm toán và trưởng đoàn kiểm toán.

Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, toàn Ngành đã hoàn thành 100% (253/253) cuộc kiểm toán theo kế hoạch và 100% các cuộc kiểm toán đều phát hành báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2018.

Kết quả kiến nghị xử lý tài chính đạt cao nhất

Tổng hợp kết quả, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính đến ngày 31/12/2018 là 89.600 tỷ đồng (trong đó, thu về NSNN 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.948 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN (44.466 tỷ đồng) tăng 18,39% so với năm 2017 (37.556 tỷ đồng). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đây là kết quả đạt được cao nhất từ trước đến nay.

Qua kiểm toán, KTNN còn kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật (2 luật, 4 nghị định; 15 thông tư; 15 nghị quyết; 28 quyết định; 51 văn bản khác) nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Đáng chú ý, KTNN đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, gồm: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan TP. Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội) trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách số tiền trên 22 tỷ đồng; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2), huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tính đến ngày 31/12/2018, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 66.415,5 tỷ đồng, đạt 73,1% tổng số kiến nghị xử lý tài chính, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi là 22.841 tỷ đồng, đạt 61,6%. Ngoài ra, có 25 văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ theo kiến nghị của KTNN nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, hoạt động kiểm toán năm 2018 đã góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Năm 2018: Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng