Năm 2018: Ngành xây dựng duy trì đà tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực

(BKTO) - Năm 2018 được coi là một năm ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành xây dựng. Trong đó, nổi bật có thể kể đến việc duy trì mức tăng trưởng khá ở một số lĩnh vực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đạt được nhiều kết quả quan trọng…




Năm 2018, giá trị xây lắp tăng 9,16%, cao hơn so với kế hoạch - Ảnh: HUY THÀNH
Giá trị sản xuất xây dựng tăng 9,16 %

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2018, giá trị sản xuất xây lắp tăng 9,16%, cao hơn so với kế hoạch và bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu đều tăng so với năm 2017; cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38,4% (tăng 0,9%), hiện cả nước có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 86% (tăng 1,5%); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86% (tăng 0,5%); diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người.

Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính. Năm qua, Bộ kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên trong 22 Bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình Bộ phận một cửa. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp thứ 3 trong các nước ASEAN về Chỉ tiêu cấp phép xây dựng (bao gồm cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan) và đứng thứ 20/190 nền kinh tế.

Đặc biệt, năm 2018 cũng ghi nhận thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Cơ cấu hàng hoá ngày càng đa dạng và được điều chỉnh từng bước hướng tới đáp ứng yêu cầu của nhiều tầng lớp người dân và thị trường. Trong 9 tháng năm 2018, doanh số thị trường bất động sản tăng 4,12% so với cùng kỳ; số DN bất động sản đăng ký mới là 3.300 DN, tăng 44,2%. Tổng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản đang triển khai đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến quý III/2018 là 465.688 tỷ đồng (giảm 2,84% so với quý II/2018). Tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.825 tỷ đồng, con số này đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%) so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013; và giảm 2.557 tỷ đồng (giảm 10,07%) so với thời điểm 20/12/2017; giảm 150 tỷ đồng so với 20/10/2018.

Ưu tiên hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng

Đánh giá về kết quả công tác trong năm 2018 của ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những kết quả đạt được, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế mà Ngành cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của ngành còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả. Công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được triển khai tích cực song vẫn còn những hạn chế phải tiếp tục khắc phục. Công tác kiểm soát chất lượng xây dựng còn chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn nhà nước. Tình trạng thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để.

Năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo và huy động nguồn lực để phát triển đất nước. Để đảm bảo thực hiện yêu cầu này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành xây dựng cần phải bứt phá về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.

Để thực hiện được 3 nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng cần ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật; cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương, các cực tăng trưởng… Đặc biệt, Bộ Xây dựng phải đề ra giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở giá thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019
Cùng chuyên mục
Năm 2018: Ngành xây dựng duy trì đà tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực