Năm 2020, NHNN Việt Nam là một trong số ngân hàng T.Ư có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực. Ảnh: P.Tuân
Duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng
Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hầu hết các nước phải tung ra các gói cứu trợ khổng lồ, đồng thời mạnh tay nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ người dân và DN. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 - 2%, trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm tổng cộng 2%/năm, lãi suất OMO (thị trường mở) giảm 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 1%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm. Với mức cắt giảm trên, NHNN Việt Nam là một trong số ngân hàng T.Ư có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực. Lãi suất điều hành giảm sâu đã tạo điều kiện cho nhiều lãi suất trên thị trường xuống mức thấp kỷ lục.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đưa ra bình luận trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2020, triển vọng 2021: Mặt bằng lãi suất của Việt Nam năm 2020 đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Các chuyên gia đánh giá, việc lãi suất huy động được giữ ở mức thấp đã giúp kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ vốn cho DN và quá trình khôi phục phát triển kinh tế.
Theo nhận định của một số ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất thấp năm 2020 sẽ vẫn được duy trì trong những tháng đầu năm 2021, thậm chí tiếp tục giảm để tạo điều kiện cho vay, hỗ trợ DN phục hồi. Nhận định này phù hợp với những phân tích của một số tổ chức. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất chưa thể tăng trở lại bởi thị trường chưa xuất hiện rủi ro thanh khoản đến từ nợ xấu. Mặt khác, các chỉ số an toàn hoạt động không chịu áp lực. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng dựa một phần vào trái phiếu DN giúp giảm áp lực lên tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động; việc không trả cổ tức tiền mặt theo chỉ đạo của NHNN khiến hệ số an toàn vốn tăng lên; áp lực lên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm nhẹ khi NHNN lùi thời hạn giảm mức trần của tỷ lệ này.
Trong Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh áp lực lạm phát năm 2021 ở mức thấp. Mặc dù NHNN có thể không cắt giảm thêm lãi suất điều hành nhưng sẽ không nâng lãi suất lên trong năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất có thể nhích dần lên
Thậm chí, mặt bằng lãi suất theo dự báo của Công ty Chứng khoán KBSV có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021 khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Tuy nhiên, KBSV cho rằng, lãi suất sẽ tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm bởi 3 nguyên nhân. Đó là: kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng; tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; lộ trình siết tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - phân tích, năm 2021, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ nhích lên. Lãi suất là giá của đồng tiền, khi nào nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thì giá của đồng tiền, lãi suất sẽ tăng dần lên. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi nhanh, đạt mức tăng khoảng 6,7 - 6,8%. Khi nền kinh tế khôi phục được tốc độ tăng trưởng cao thì nhu cầu về vốn của nền kinh tế, DN sẽ tăng lên, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên, khi đó, lãi suất sẽ nhích lên. Tuy nhiên, định hướng của Chính phủ, NHNN là vẫn cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định nhằm vừa ổn định vĩ mô vừa hỗ trợ DN trong bối cảnh năm 2021, nền kinh tế, DN về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, mặt bằng lãi suất sẽ chỉ nhích nhẹ và có thể chỉ ở từng thời điểm.
Đồng quan điểm, PGS,TS. Phạm Thế Anh - Chuyên gia Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, lãi suất có cơ sở để nhích lên khi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Mặc dù vậy, việc nhích lên của mặt bằng lãi suất sẽ không quá nhanh và tăng cao ngay được, mà nhích dần dần, khả năng sẽ nhích khoảng 0,25 - 0,5% trong quý I/2021.
Báo cáo về triển vọng thị trường 2021 của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết: Lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong năm nay do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi. Việc sản xuất thành công vắc-xin phòng chống Covid-19, sự phục hồi của nền kinh tế, xu hướng chuyển dịch từ trái phiếu DN sang tín dụng ngân hàng, tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại sẽ là yếu tố kích thích tăng trưởng tín dụng. Do đó, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 nằm trong khoảng 13 - 14%, cao hơn so với mức 11% của năm 2020.
THÀNH ĐỨC