Năm 2023, giải ngân đầu tư công đạt 93,12%

(BKTO) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thực hiện thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến hết ngày 31/1/2024 (hết thời hạn để giải ngân kế hoạch vốn năm 2023) đạt 82,47% kế hoạch năm và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

dtc-72.jpg
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 cao hơn 0,15% về tỷ lệ, cao hơn 123.311,7 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: ST

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 858.399,9 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch năm 2023 là 803.397,6 tỷ đồng và vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 là 55.002,3 tỷ đồng.

Đến hết ngày 31/12/2023, cả nước giải ngân được 589.201,9 tỷ đồng, đạt 73,34% kế hoạch năm 2023. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 80.808,44 tỷ đồng, đạt 60,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).

Ước thanh toán đến hết ngày 31/1/2024 là 662.588,2 tỷ đồng, đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (711.559,8 tỷ đồng).

Như vậy, tỷ lệ giải ngân năm 2023 cao hơn khi cùng kỳ năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch và đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 cao hơn 0,15% về tỷ lệ, cao hơn 123.311,7 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho hay, một số đơn vị hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, tỉnh Hà Nam.

Một số Bộ, địa phương giải ngân cao từ 95% kế hoạch giao như: Đồng Tháp (99,8%), Quảng Ngãi (99,79%), Long An (99,19%), Bà Rịa - Vũng Tàu (98,08%), Vĩnh Phúc (96,88%), Thái Nguyên (96,65%), Ninh Bình (95,98%), Hưng Yên (95,95%), Tuyên Quang (95,7), Trà Vinh (95%), Bộ Quốc phòng (96,4%), Bộ Giao thông vận tải (95,12%).

Tuy nhiên, vẫn còn 56/115 Bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 13 tháng thấp hơn bình quân của cả nước, trong đó nhiều Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Thậm chí có tới 16 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 30%.

Đối với các dự án trọng điểm, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/12/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 107.317,78 tỷ đồng, đạt 84,1% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (127.593,72 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 88.899,78 tỷ đồng, đạt 92,2% và vốn ngân sách địa phương là 18.418 tỷ đồng, đạt 59%./.

Ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2024 đến hết tháng 1/2024 là 16.934,3 tỷ đồng, đạt 2,46% kế hoạch và đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước (hết tháng 1/2023 đạt 1,72% kế hoạch và 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án quan trọng quốc gia là trên 127.593 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 96.396 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương trên 31.197 tỷ đồng.

Ước đến hết ngày 31/1/2024, các dự án này giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2024, về cơ bản các dự án đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, có tính lan tỏa, liên kết vùng đã hoàn thành thủ tục, là cơ sở tạo niềm tin năm 2024 có thể giải ngân tốt vốn đầu tư công.

Cùng chuyên mục
Năm 2023, giải ngân đầu tư công đạt 93,12%