Năm 2023 nhiều "sóng gió" cho thị trường gạo thế giới

(BKTO) - Năm 2023, thị trường gạo toàn cầu chứng kiến sự biến động mạnh do lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng thời tiết El Nino diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng tới các nước sản xuất gạo chủ chốt. Giá gạo thế giới tăng cao và nguồn cung hạn hẹp trở thành mối nguy mới đối với an ninh lương thực toàn cầu.

gao-the-hindu-business.jpeg
Giá gạo toàn cầu đã tăng 15 - 25% kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được áp dụng- Nguồn: Internet

Thị trường "nổi sóng" sau lệnh cấm của Ấn Độ

Ngày 20/7/2023, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Lệnh dừng xuất khẩu gạo được Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong vòng 1 năm (tính tới ngày lệnh cấm được ban hành). Thêm vào đó, diễn biến thời tiết không thuận lợi trong vụ lúa Xuân Hè càng thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này. Lệnh dừng xuất khẩu được cho là nhằm giúp Ấn Độ thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và kiểm soát lạm phát. Ấn Độ là nước cung cấp gạo hàng đầu thế giới với 40% thị phần, tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam.

Mặc dù Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu gạo đồ và gạo basmati theo các cam kết quốc tế, nhưng giá gạo toàn cầu đã tăng 15 - 25% kể từ khi lệnh cấm được áp dụng, chạm mức cao nhất trong vòng 15 năm vào tháng 8/2023. Thiệt hại lớn nhất ập xuống các quốc gia phụ thuộc vào gạo trắng Ấn Độ như Bangladesh và Nepal hay một số nước châu Phi thường sử dụng gạo tấm như Benin, Senegal, Togo và Mali. Nhiều chuyên gia cho biết, tình trạng thiếu gạo sẽ khiến giá của các loại lương thực khác như lúa mì, đậu tương và ngô tăng cao.

Khi thị trường còn chưa kịp thích ứng với sự biến động giá mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước này lại chính thức công bố áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ chỉ một tháng sau đó. Động thái này làm hạn chế thêm lượng gạo xuất khẩu cũng như thúc đẩy đà tăng của giá gạo toàn cầu.

Lạm phát lương thực vẫn dai dẳng ở châu Á

gia-gao-reuters.jpg
Giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm vào cuối tháng 12/2023 - Nguồn: Internet

Lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại ở một số nước châu Á, nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vào tháng 11/2023, lạm phát tại Philippines đạt 4,1%, so với mức 3,1% ở Mỹ và 2,4% ở Khu vực đồng euro (Eurozone). Gần một phần ba mức tăng này là do giá gạo tăng. 

Giá lúa mỳ và ngô đã tăng vọt trên toàn cầu vào năm 2022 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nơi được coi là vựa lúa mỳ của châu Âu. Trong khi lạm phát lương thực ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ và châu Âu, thì tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine lại tương đối hạn chế ở châu Á.

Nhưng từ đầu năm đến nay, "trung tâm" của lạm phát lương thực đã chuyển sang châu Á, nơi chiếm khoảng 80% nhu cầu gạo toàn cầu. Trong khi giá lúa mỳ quốc tế đã bắt đầu giảm, thì giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm vào cuối tháng 12/2023, tăng khoảng 40% so với hồi tháng 1/2023. 

Thế giới dường như đang sắp rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, trong đó những lo ngại về an ninh lương thực và thời tiết bất thường khiến các nước sản xuất ngũ cốc phải tích trữ, càng làm trầm trọng mối lo về nguy cơ nguồn cung bị thiếu hụt. Nhà kinh tế hàng đầu phụ trách khu vực châu Á tại HSBC, Frederic Neumann cho biết, ký ức về cuộc khủng hoảng giá thực phẩm ở châu Á trong năm 2008 vẫn còn in sâu. Giá thực phẩm tăng vọt trên toàn thế giới cách đây 15 năm do dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), giá của nhiều loại thực phẩm đang biến động mạnh, xảy ra ở 7 trong 8 loại cây trồng chủ lực trong năm 2023.

Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi thực phẩm chiếm 30% đến 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với khoảng 10-20% ở các nền kinh tế đã phát triển. Giá lương thực cao hơn cũng ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ. Để đối phó với lạm phát gia tăng, Ngân hàng trung ương Philippines đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) lên 6,5%/năm tại cuộc họp khẩn cấp hồi cuối tháng 10/2023.

Có nhiều đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn đi đầu trong việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu, sẽ chuyển sang chính sách nới lỏng vào năm 2024, làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Tuy nhiên, nhiều nước châu Á chưa thoát khỏi khó khăn với lạm phát lương thực vẫn đang âm ỉ, khiến các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là cân bằng giữa kiểm soát giá cả và tăng trưởng kinh tế.

Triển vọng cho năm 2024

xuat-khau-lua-gao.png
Giá gạo dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024 - Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng Hàng hóa Toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB), giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025, do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng EI Nino.

Giá gạo toàn cầu năm 2023 ước tăng trung bình hơn 28% so với năm 2022, và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino, phản ứng với chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng...

Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino. Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán có thể là khốc liệt nhất trong hai thập kỷ ở nhiều vùng trồng lúa. Ngoài các thách thức nói trên, gạo cũng thiếu hụt vì nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh trở thành nguồn thay thế hấp dẫn cho các loại ngũ cốc bị thiếu hụt và tăng giá mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Theo hãng tin Bloomberg, giới phân tích thị trường và một số thương nhân dự báo sản lượng gạo trái vụ từ hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm trong quý I/2024 do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp. Trong khi nông dân trồng lúa tại nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Indonesia vẫn đang chống chọi với hạn hán.

Để đảm bảo nguồn dự trữ gạo của đất nước, Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024. Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc Bulog, ông Budi Waseso, chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất lúa gạo địa phương cũng như điều kiện thời tiết. Nếu dự báo sản lượng lúa gạo bị thiếu Bulog sẽ cung cấp đủ để bù đắp sự thiếu hụt.

Cùng chuyên mục
Năm 2023 nhiều "sóng gió" cho thị trường gạo thế giới