Năm 2024: Doanh nghiệp logistics Việt chủ động chuyển hướng “xanh hóa” để phục hồi đơn hàng

(BKTO) - Năm 2023, nền kinh tế trải qua rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp logistics cũng sụt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, dự báo về 2023, các chuyên gia cho rằng còn rất nhiều cơ hội cho ngành này khi kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi.

Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng cao

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023, song ngành logistics vẫn nỗ lực không ngừng để lấy lại đà tăng trưởng.

Năm 2023, Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất có tác động tiêu cực đến tỷ giá USD, lạm phát toàn cầu, giá cả năng lượng, thực phẩm thiết yếu biến động mạnh. Lãi suất đồng USD cao cùng với sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn cũng gây ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI và kéo theo sự thay đổi lớn trong chính sách tài chính tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ông Trần Thanh Hải nhận định, các yếu tố trên đều có ảnh hưởng đến sự phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó để giữ được mức tăng trưởng ổn định, thứ hạng cao trong trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics toàn cầu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Kỳ vọng ngành logistics Việt Nam tăng trưởng khá vào năm 2024

Năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi, dù tốc độ còn chậm. Ngay trong những tháng cuối năm 2023, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng trở lại, cao hơn so với những tháng đầu năm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh.

Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, xu hướng dịch chuyển đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam, sẽ tạo nên xung lực mới cho sản xuất công nghiệp, tạo thêm nguồn cung hàng hóa cho dịch vụ logistics. Đặc biệt, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đối với dịch vụ logistics đang góp phần cải thiện điều kiện hạ tầng, môi trường kinh doanh, giúp các doanh nghiệp của chúng ta có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có năng lực cạnh tranh logistics cao nhất trong cả nước. Đây cũng là một thuận lợi vì TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với tổng số 563.354 lao động đang làm việc. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó, có những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker…

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: Vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu...

Mặc dù vậy, so với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, toa xe, xe tải...). Đồng thời, có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Doanh nghiệp logistics cần chủ động chuyển hướng “xanh hóa”

Tuy nhiên, nhận định về thị trường logistics năm 2024, ông Trần Thanh Hải cho rằng, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trong ngành logistics trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.

logistic(1).jpeg
Các doanh nghiệp logistics Việt cần chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng "xanh hóa" để nâng cao khả năng cạnh tranh. Ảnh minh họa 

Các doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dịch vụ logistics. Cụ thể như: Tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc trao đổi, góp ý, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ đươc giao tại Quyết định 200 và Quyết định 221; góp ý trong công tác xây dựng chính sách; phối hợp tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hiệp hội với cơ quan quản lý nhà nước, kết nối doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi, nắm bắt về những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động dịch vụ logistics của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-BCT về việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics quốc gia của Bộ Công Thương giai đoạn 2023 - 2026; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045./.

Cùng chuyên mục
Năm 2024: Doanh nghiệp logistics Việt chủ động chuyển hướng “xanh hóa” để phục hồi đơn hàng