Năm 2025: Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2025, Bộ sẽ điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát...

28.jpg
Năm 2024, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Ảnh minh họa

Chính sách tài khóa đảm bảo cân đối vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2024, thu NSNN đạt 2.037.500 tỷ đồng, bằng 119,8% (tăng khoảng 336.500 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 16,2% so với năm 2023. Trong năm, đã thực hiện miễn, giảm gia hạn khoảng 197.300 tỷ đồng tiền thuế và thu NSNN; thu từ 3 khu vực kinh tế đều vượt dự toán và tăng 10,5% so với năm 2023...

Năm 2025, ngành tài chính phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng thu, tiết kiệm chi để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, ưu tiên vốn cho các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao... Bộ Tài chính cần mạnh dạn đề xuất các chính sách về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân kịp thời hơn nữa. Cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, từ đó mới khai thác mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Chi NSNN được điều hành chủ động, quản lý chặt chẽ, theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ; tập trung vốn cho các dự án đầu tư, công trình trọng điểm (đường bộ cao tốc, giao thông liên vùng...), kinh phí cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện cải cách tiền lương, trợ cấp các đối tượng chính sách...

Đầu năm 2024, khi chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã kéo dài 4 năm và tưởng chừng có thể quay trở lại chính sách bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra nhưng đến nửa cuối năm 2024, Bộ Tài chính nhận thấy năm 2025 những khó khăn, thách thức chưa dừng lại. Vì vậy, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp trong năm 2025. Theo đó, Bộ Tài chính đã tiếp tục trình Chính phủ duy trì việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho 6 tháng đầu năm 2025, với mức giảm 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%. Việc này dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 26.100 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục đề xuất và tiếp tục được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2025 (như áp dụng năm 2024), làm giảm thu NSNN khoảng 44.000 tỷ đồng. Như vậy, việc giảm các mức thuế này sẽ làm giảm thu ngân sách hơn 70.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2024, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, đảm bảo cân đối vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, đã phát huy vai trò tích cực của chính sách tài khóa, nuôi dưỡng nguồn thu, gia hạn, miễn giảm, thuế, phí, lệ phí, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội... Năm 2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước gần 197.000 tỷ đồng mà ngân sách vượt thu hơn 300.000 tỷ đồng. 3 năm vừa rồi đều vượt thu so với dự toán. Rõ ràng chính sách hỗ trợ có tác dụng đối với nền kinh tế và thu ngân sách...

Hoàn thiện thể chế, mở rộng cơ sở thuế, tăng chi đầu tư phát triển...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2025, Bộ Tài chính sẽ bám sát chỉ đạo của Trung ương, phương châm hành động của Chính phủ để tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế. Trong đó, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và trình Quốc Hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 02/2025 dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Hai là, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Theo đó, tập trung phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2025 đảm bảo thời hạn theo đúng quy định của Luật NSNN; chi NSNN theo dự toán, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu.

Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thu NSNN, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế; phấn đấu hoàn thành thu NSNN năm 2025 ở mức cao nhất. Đồng thời, triển khai có hiệu quả, thực chất các chính sách thu đã ban hành như: giảm 2% thuế suất GTGT, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu... để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2025 chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết; tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chi khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

Ba là, tận dụng tối đa dư địa nợ công để đẩy mạnh huy động vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất hợp lý và vay nợ nước ngoài với chi phí thấp, ít ràng buộc nhằm đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, các dự án kết nối liên vùng, liên quốc gia. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả của từng dự án, chỉ những dự án được tính toán có hiệu quả rõ rệt mới sử dụng nguồn vốn vay; phát triển đồng bộ, mạnh mẽ thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu và cổ phiếu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chân chính, có tài chính lành mạnh bổ sung nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững; tăng cường quản lý giá cả; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, bảo hiểm, nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.

Năm là, chủ động triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, sớm đưa tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động, đảm bảo tinh - gọn mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.

Sáu là, tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng lãng phí với quan điểm mọi tài sản mọi nguồn lực được khơi thông, tăng thu NSNN, nâng cao đời sống cho Nhân dân./.

Cùng chuyên mục
Năm 2025: Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt