Việt Nam đã áp dụng những giải pháp tài khóa hợp lý
Từ năm 2020 đến nay, nước ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi đánh giá công tác phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (Bộ trưởng Bộ Tài chính thời điểm đó) đã khẳng định, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế. Theo đó, chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả còn chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng hợp lý, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn chứng, 4 năm qua, nước ta vượt thu ngân sách khoảng 1 triệu tỷ đồng, năm sau vượt thu cao hơn năm trước. Đồng thời, thực hiện giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 900.000 tỷ đồng. Riêng năm 2024, số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 189.600 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy, tổng cộng tăng thu sẽ là gần 2 triệu tỷ đồng nếu trong điều kiện bình thường.
Liên tục trong 3 năm 2021, 2022, 2023 thu ngân sách nhà nước (NSNN) đều vượt dự toán. Thu ngân sách năm 2021 đạt 1.591.500 tỷ đồng, vượt 17,2% (233.300 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Năm 2022 tổng thu ngân sách đạt 1.820.300 tỷ đồng, bằng 128,6% dự toán, tăng 14,4% so với năm 2021. Năm 2023 tổng thu NSNN đạt 1.754.100 tỷ đồng, bằng 108,2% dự toán. Tính đến ngày 15/12/2024, thu NSNN đã vượt 9,97% dự toán, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.870.596 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, NSNN vượt thu khoảng 300.000 tỷ đồng, số tiền này sẽ bổ sung đầu tư phát triển hạ tầng. Trên cơ sở đó, GDP năm nay có thể tăng trưởng khoảng 7%; CPI tăng khoảng 3,88% và nợ công chiếm 37%...
Các kết quả khả quan về tài chính - NSNN có được là nhờ nền kinh tế đã dần hồi phục, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp đã đủ “thấm”. Từ nguồn tiền được gia hạn thuế, một số công ty đã mua máy móc để phục vụ sản xuất. Đơn cử, Công ty In bao bì VPC Hà Nội sử dụng hơn chục tỷ đồng thuế được gia hạn (chưa phải nộp ngay) để đổi mới trang thiết bị. Đơn cử, Công ty đã mua chiếc máy in 6 màu từ Nhật Bản với giá 36 tỷ đồng. Sau khi nhập máy in mới, đơn hàng của Công ty đã tăng lên. Nếu doanh thu năm 2023 đạt 188 tỷ đồng thì năm 2024 dự kiến sẽ đạt 200 tỷ đồng; số thuế giá trị gia tăng công ty nộp thêm vào ngân sách sẽ là 3 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên 1,5 tỷ đồng...
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Chính phủ cũng yêu cầu những tháng còn lại của năm 2024, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ... tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến - cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chỉ thực sự phát huy tốt tác dụng khi được triển khai đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tiền tệ, thông qua công cụ lãi suất và hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thị trường vốn…; thu hút vốn trong, ngoài nước; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công.
Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế trong nước dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2025. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính là rất nặng nề với dự toán thu NSNN là hơn 1,96 triệu tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là hơn 2,5 triệu tỷ đồng. Bội chi NSNN là 471.500 tỷ đồng tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Để tiếp tục thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, rà soát, đánh giá các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong thời gian qua; đồng thời đề xuất các giải pháp tài khóa cho năm 2025, như đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong cả năm 2025. Tổng quy mô 2 gói giảm thuế này lên đến gần 70.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm tới.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Ngoài ra, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng 1 điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm. Vì vậy, việc thúc đẩy đầu tư công đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong ngắn hạn và thực hiện chính sách tài chính bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, chính sách tài khóa phải có sự đồng hành của các chính sách khác để phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn./.