Năm APEC 2017: Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương

(BKTO) - Năm 2006, lần đầu tiên hoàn thành vai trò chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã khẳng định tâm thế sẵn sàng cho hội nhập và là thành viên có trách nhiệm của APEC cũng như cộng đồng quốc tế. 11 năm sau, Việt Nam lại tổ chức thành công Năm APEC 2017 để minh chứng vai trò kết nối, đóng góp tích cực cho tiến trình liên kết, phát triển và thịnh vượng của khu vực. Thành công ấy đã góp phần tô thêm dấu ấn Việt Nam trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương.



Mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế

Với Việt Nam, 2017 là một năm đặc biệt; bởi lẽ, chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý chống toàn cầu hóa đã gia tăng trên thế giới, có nguy cơ đe dọa giá trị cốt lõi của APEC là “thương mại, đầu tư tự do và mở”. Đặc biệt hơn, ở vào thời điểm Tuần lễ Cấp cao APEC chỉ còn cách vài ngày thì cơn bão Damrey đã đổ bộ và càn quét dải đất miền Trung.

Song, vượt lên tất cả, Việt Nam đã nỗ lực để tổ chức tốt Tuần lễ Cấp cao, khép lại Năm APEC thành công trọn vẹn. “Đây là thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm 2017. Thành công đó đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiều lần nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân chụp ảnh chung với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và phu nhân. Ảnh: TTXVN
Suốt 1 năm qua, các Bộ trưởng đã cùng với cộng đồng DN, học giả của các nền kinh tế thành viên APEC tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành trong cả nước để thảo luận nghiêm túc, kỹ lưỡng và đề xuất biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, liên kết khu vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng và chuẩn bị tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao. Riêng trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC (từ ngày 06 - 11/11/2017), gần 100 cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo khu vực đã diễn ra; hơn 4.000 lượt DN tham gia các sự kiện và 8 văn kiện được thông qua, trong đó, quan trọng nhất là Tuyên bố Đà Nẵng.

Cùng với những con số ấn tượng, Việt Nam còn có nhiều sáng kiến nhằm nâng tầm hợp tác và xác lập hướng đi chiến lược của khu vực trong trung và dài hạn. Cụ thể, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên cho Năm APEC 2017, bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Đáng lưu ý, tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 (AELM-25), Việt Nam đã có nhiều sáng kiến để cùng với các nền kinh tế thành viên thông qua Chương trình Nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, Tuyên bố Đà Nẵng tại Hội nghị này có sự đóng góp lớn của Việt Nam trong vai trò chủ trì soạn thảo. Cũng theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên, Chương trình đối thoại không chính thức giữa APEC và ASEAN được tổ chức, góp phần bổ trợ, tăng cường gắn kết giữa 2 cơ chế quan trọng này.

Ngoài ra, nhiều sáng kiến khác do Việt Nam đề xuất hoặc đồng bảo trợ cũng đã được thông qua, trong đó có Khuôn khổ APEC tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới. Với những sáng kiến trên, Việt Nam đã tô đậm dấu ấn của mình trong tiến trình hợp tác APEC.

Việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 còn là minh chứng cho “bản lĩnh Việt Nam” như khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trước báo giới. Trong các cuộc họp quan trọng, với vai trò chủ trì, Việt Nam đã mềm dẻo, điều hòa những khác biệt về quan điểm giữa các nền kinh tế thành viên, từ đó đi đến đồng thuận nhiều vấn đề mang ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình liên kết khu vực.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.Ảnh: Ban Tổ chức

APEC 2017 không chỉ có những cuộc họp mà còn lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt đẹp về các nhà lãnh đạo. Đó là giây phút Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cùng chụp chung một tấm ảnh; là những cuộc trò chuyện cởi mở của nhiều nhà lãnh đạo bên lề các hội nghị; hay đơn giản chỉ là cú đập tay thân thiện, thay cho cái bắt tay thường thấy giữa Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trên hết, đó còn là lời khẳng định: “Anh em bốn bể là nhà” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Tiệc chiêu đãi các thành viên tham dự APEC 2017. Tất cả đã cho thấy vai trò của Việt Nam trong việc điều hành, dẫn dắt, kết nối vì một APEC “hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”.

Rộng mở cơ hội hợp tácđầu tư

Thành công của Năm APEC 2017 không chỉ đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế mà còn mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho Việt Nam.

Câu chuyện hợp tác đầu tư, kinh doanh đã được gợi mở trong phiên họp toàn thể Kỳ họp lần thứ 4 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC. Cùng với đó, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh trong khuôn khổ của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng được tổ chức với màu sắc riêng biệt, rất Việt Nam.

Đây là cách làm thiết thực để quảng bá một Việt Nam phát triển năng động, mến khách, thanh bình, có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh và luôn rộng cửa chào đón các nhà đầu tư. Bên lề Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các tổ chức, tập đoàn, DN hàng đầu quốc tế, thể hiện rõ thịnh tình mời gọi, rộng cửa chào đón các nhà đầu tư.

Việt Nam còn thể hiện sự đồng hành cùng DN khi đưa chủ đề về DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa trở thành 1 trong 4 ưu tiên của Năm APEC 2017. Sáng kiến này đã giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ lần đầu tiên trở thành đề tài thảo luận chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo DN (APEC CEO Summit 2017). Điều đó đồng nghĩa với việc không để một bộ phận nào của nền kinh tế ra ngoài sân chơi chung. Đồng thời, với những nỗ lực của Việt Nam, nhiều vấn đề kinh doanh, khởi nghiệp mang hơi thở của thời cuộc đã được đối thoại thẳng thắn, trực diện tại APEC CEO Summit 2017.

Thịnh tình hợp tác, sự nỗ lực hết mình về những vấn đề chung của khu vực là lý do để không chờ đến tương lai, Việt Nam đã có được những hợp đồng nghìn tỷ với nhiều đối tác đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Minh chứng là, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã mang lại tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỷ USD, gấp gần 10 lần tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết vào năm 2006.

Thành tựu ấy cùng với kỳ tích tăng trưởng GDP 6,81% trong năm 2017 sẽ là cơ sở để Việt Nam bước vào Xuân mới 2018 với nhiều niềm vui và khí thế quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, hướng tới một nền kinh tế năng động dựa trên sáng tạo.

THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
  • Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nối tiếp truyền thống vẻ vang mà toàn Ngành đã đạt được trong 23 năm qua, đặc biệt là những kết quả hoạt động nổi bật năm 2017, KTNN đang tích cực triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2018 với khí thế tự hào và niềm tin thắng lợi. Để tiếp tục hoàn thành toàn diện những nhiệm vụ hết sức nặng nề đang đặt ra, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTNN phải quán triệt sâu sắc những định hướng sau: luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ; kiên định với những mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
  • Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng?
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Đây là lần đầu tiên NHNN đưa ra mục tiêu năm sau thấp hơn năm trước. Trong khi đó, năm 2017, tăng trưởng tín dụng vẫn vượt mục tiêu đề ra và cơ cấu tín dụng có nhiều thay đổi tích cực so với năm trước.
  • Dần bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Các chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, có thể đạt mức 6,5-6,7% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, trước sức bật mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng số hóa nền kinh tế và tập trung phát triển những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.
  • Trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng
    6 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tối 3/2, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ hai – năm 2017.
Năm APEC 2017: Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương