Nam Định: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 37 dự án

(BKTO) - Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 37 dự án (bao gồm 19 dự án đầu tư trong nước và 18 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài-FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 5.543 tỷ đồng và 148,3 triệu USD.

day-chuyen-san-xuat-day-dai-tai-cong-ty-tnhh-det-chentai-mien-bac-kcn-bao-minh_nd.jpg
Nam Định tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: ST

Nhờ việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thủ tục hành chính thông thoáng, nguồn nhân lực dồi dào nên những năm gần đây, Nam Định trở thành địa chỉ tin cậy thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Từ đầu năm 2023 đến nay, sức hút đầu tư của tỉnh Nam Định được ghi dấu ấn tượng bởi nhiều dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, như: 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.000 tỷ đồng; dự án của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; dự án của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) có tổng mức đầu tư 208 triệu USD; dự án sản xuất sợi, vải dệt của Công ty TNHH Sanbang (Singapore) với tổng mức đầu tư gần 30 triệu USD; dự án dệt nhuộm công nghệ cao của Công ty TNHH Top Textiles (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; dự án của Công ty Cổ phần Giấy GĐT tại Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng với số vốn đầu tư 2.560 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tỉnh tập trung tổ chức thực hiện và tiếp tục có những tín hiệu rất tích cực. Tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 37 dự án (bao gồm 19 dự án đầu tư trong nước và 18 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài-FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 5.543 tỷ đồng và 148,3 triệu USD.

Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ưu tiên các ngành sản xuất điện, điện tử, phụ tùng thiết bị phụ trợ, cơ khí... Được biết, để có được những dự án này, tỉnh Nam Định thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, giao thông phải đi trước một bước, tỉnh đã ưu tiên và huy động tối đa các nguồn lực cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt liên vùng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Nam Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định (từ ngày 30/6/2024); hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án tuyến đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); xây dựng cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình; xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam TP. Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định đang gấp rút triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành Dự án xây dựng cầu Bến Mới, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường, cầu Đống Cao...

Hạ tầng công nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ, giúp Nam Định giành lợi thế đón các nhà đầu tư lớn. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận; các cụm công nghiệp: Yên Bằng, Thanh Côi; khởi công Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Giao Thiện, huyện Giao Thủy; triển khai lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các khu công nghiệp: Hải Long, huyện Giao Thủy; Nam Hồng, huyện Nam Trực; Minh Châu, huyện Nghĩa Hưng; Xuân Kiên, huyện Xuân Trường; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Trung Thành, huyện Ý Yên; Khu công nghiệp Hồng Tiến, huyện Ý Yên.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, Nam Định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành thủ tục cấp phép đầu tư. Điển hình như Dự án của Tập đoàn Quanta đã được cấp phép chỉ sau 36 giờ nộp hồ sơ hợp lệ. Nam Định đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nam Định đặt mục tiêu tới năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm phát triển của phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 là 9,5%. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, ngày càng đáp ứng cao với nhu cầu của các doanh nghiệp. Để đồng hành cùng với doanh nghiệp, cùng hướng tới thành công, tỉnh Nam Định cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Cùng chuyên mục
Nam Định: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 37 dự án