Nam Định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nam Định xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân.

nd-612.jpg
Ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Trực Thanh, Trực Ninh, Nam Định. Ảnh: TS

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 về "Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 09 và Kế hoạch số 140/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nam Định.

Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính:

Một là, phát triển, hoàn thiện hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 176.540 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử; 201.542 hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn kỹ năng số; 1.959 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bán và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử…

Hai là, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin cơ sở, từng bước chuyển các đài truyền thanh cấp xã sang sử dụng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Đến năm 2030, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đang từng bước ứng dụng và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở như trang thông tin điện tử, ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook), mạng viễn thông để thông tin (nhắn tin SMS đến thuê bao di động) để tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão...

Ba là, phát triển, duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng cho thương mại điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Trên toàn tỉnh có 337 điểm phục vụ bưu chính; 55/197 điểm bưu điện văn hóa xã (chiếm 27%) có khả năng phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân như có trang bị máy tính có kết nối Internet, máy in và có nhân viên phục vụ được đào tạo, tập huấn kỹ năng để thực hiện cung cấp các dịch vụ gửi, nhận hồ sơ trực tuyến.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước 3 cấp của tỉnh.

Hiện nay, 100% tài khoản và mật khẩu thư công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã được tích hợp với Hệ thống đăng nhập một lần của tỉnh (SSO) để sử dụng đăng nhập vào các phần mềm dùng chung của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số và các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho 648 tổ chức, 4.630 cá nhân thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn.

Triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cho 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được.

Năm là, triển khai gắn mã, cập nhật, thông báo địa chỉ số.

Tỉnh Nam Định đã cập nhật, gán nhãn cho 675.000 địa chỉ số trên Nền tảng địa chỉ số quốc gia cho các hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh…/.

Cùng chuyên mục
Nam Định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới