Năm học mới, nhớ lời Bác Hồ dạy

(BKTO) - Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội; các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng là những người chủ tương lai của đất nước. Vì vậy, sinh thời, Người luôn dành tình cảm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ, đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Hôm nay (ngày 05/9), hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới với bao niềm hân hoan, chờ đợi và cả những quyết tâm, kỳ vọng cho một năm học nhiều kết quả thắng lợi.

3.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than (Hà Nội), năm 1958. Ảnh: ST

Lời Bác dạy năm xưa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra cho dân tộc Việt Nam một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ lâm thời đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện, trong đó có nhiệm vụ diệt giặc dốt. Vì vậy, dù công việc bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu của mình để viết “Thư gửi các học sinh” nhân Ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức thư là tâm huyết của Bác đối với học sinh cả nước, thể hiện muôn vàn tình thân yêu, niềm tin và hy vọng của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giàu mạnh.

Nhân ngày khai giảng năm học mới, chúng ta cùng một lần nữa thấm nhuần những lời căn dặn mà Bác đã gửi gắm tới các thế hệ học sinh Việt Nam. "Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Suốt cuộc đời mình, Bác Hồ đã dành nhiều tâm huyết để viết cho trẻ em. Trong những dòng viết ấy cũng chứa đựng những trăn trở, suy tư và lời căn dặn của Bác với lớp trẻ. Mở đầu bài thơ mang tên "Trẻ con", Bác đã viết: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Người yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và tất cả mọi lực lượng quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Vào Tết Trung thu năm 1952, Bác Hồ viết: "Mong các cháu cố gắng thi đua và học hành. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn mãi đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Bao thế hệ học sinh Việt Nam đã và đang hăng hái học tập, rèn luyện, tham gia nhiều phong trào để xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ, chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu

Ghi nhớ lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư, coi giáo dục và đào tạo (GDĐT) là quốc sách hàng đầu để ươm mầm những thế hệ học sinh vừa hồng vừa chuyên, trở thành những người công dân tốt, có ích cho nước nhà. Đó là một động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Kế thừa tinh thần các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng rất quan tâm đến phát triển GDĐT. Mục tiêu của GDĐT trong giai đoạn tới được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển GDĐT tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra; công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện.

Nhấn mạnh, GDĐT cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu"; "Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân".

Chia sẻ về những nhiệm vụ của ngành trong năm học 2024-2025, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học này, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn được giao tại các Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới GDĐT, ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.

Trong đó, ngành giáo dục sẽ tập trung triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục cũng sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm: Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo - dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo. Bộ GDĐT cũng sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, chung sức, đồng lòng hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa...

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, chúng ta tin tưởng rằng, năm học 2024-2025, các thầy cô và các em học sinh sẽ phát huy tốt truyền thống hiếu học, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm học mới, trở thành những con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với niềm tin yêu của Người, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn./.

Cùng chuyên mục
Năm học mới, nhớ lời Bác Hồ dạy