Nam Phi: Bộ Y tế cần củng cố hoạt động tránh rơi vào khủng hoảng

(BKTO) - Giữa tháng 10, Tổng Kiểm toán Nam Phi (AG) đã công bố Báo cáo kiểm toán thường niên 2021 đối với Bộ Y tế nước này. Báo cáo chỉ ra nhiều khoản chi bất thường của Bộ trong năm tài chính vừa qua, số ngân sách chi tiêu không thường xuyên đã lên đến 1,3 tỷ rand Nam Phi (42,5 triệu USD), tăng 42% so với năm trước.



                
   

Ngành y của Nam Phi ngày càng chịu nhiều áp lực. Ảnh: hpp-sa.org
   

   

Cho đến nay, hầu hết số tiền ngân sách bị chi tiêu lãng phí liên quan đến việc không tuân thủ các quy trình mua sắm công, các quy định quản lý chuỗi cung ứng và công tác kiểm tra, giám sát hợp đồng. AG cũng nhấn mạnh Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc chưa chú trọng xây dựng và thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm quản lý rủi ro.

Báo cáo của Tổng Kiểm toán cho biết, Bộ và nhiều đơn vị trực thuộc đã không quản lý các dự án hiệu quả, hợp lý, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi các dự án bị thất bại và gây ra những khoản tiền thất thoát, lãng phí lớn, trách nhiệm của các quan chức, cán bộ có liên quan chưa được xác định, làm rõ.

Trong nhiều thập kỷ qua, lĩnh vực y tế công của Nam Phi đã suy yếu nghiêm trọng và nhanh chóng qua mỗi năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngành y không được sửa chữa, bảo dưỡng và bổ sung kịp thời, nhiều trang-thiết bị lạc hậu, hỏng hóc vẫn được sử dụng, tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng vẫn tiếp tục kéo dài dù hàng năm các cơ quan đều xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nạn tham nhũng vẫn tràn lan chưa có biện pháp giải quyết triệt để…

Bộ thường xuyên báo cáo về tình trạng thiếu nhân sự và mức thù lao cho nhân lực ngành y cần được cải thiện, tuy nhiên nạn tham nhũng đã lấy đi những khoản tiền lớn từ ngân sách công. AG khẳng định, loại bỏ được nạn tham nhũng và triển khai các hệ thống giám sát hiệu quả sẽ trở thành 2 biện pháp hữu hiệu giúp Bộ giải quyết hoàn toàn tình trạng thiếu nhân sự này.

Trong nhiều năm liền, Bộ Y tế chưa từng nhận được một cuộc kiểm toán “sạch”. Những phát hiện mới nhất trong báo cáo của AG là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nếu Bộ và các cơ quan trực thuộc không quyết tâm làm trong sạch cơ quan, bộ máy hoạt động có thể đối mặt với sự sụp đổ và một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng./.
Tuệ Lâm
(Theo Allafrica)
Cùng chuyên mục
Nam Phi: Bộ Y tế cần củng cố hoạt động tránh rơi vào khủng hoảng