Nan giải “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại

(BKTO) - Theo các chuyên gia, hiện nay vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, cho thấy đây là “cuộc chiến” còn rất nan giải.

hang-gia.jpg
Hiện nay, tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp. Ảnh minh họa: S.T

Vấn nạn hàng lậu, gian lận thương mại gây nhiều hệ lụy tiêu cực

Chia sẻ tại Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” mới diễn ra, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, cùng với xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn của nhiều thương hiệu, sản phẩm trong và ngoài nước.

Bên cạnh những điểm tích cực như giúp cho thị trường phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm, hàng hóa, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra hết sức phức tạp. Theo đó, ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại những mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử... cũng có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn.

Thực trạng này đang ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất trong nước, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính; đồng thời gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với năm 2022), trong đó có 129.713 vụ việc vi phạm gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51%), 5.464 vụ việc sản xuất, mua bán hàng giả (tăng 48%). Đồng thời, các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 616 vụ việc (tăng 4,05% so với năm 2022), với 724 đối tượng. Những con số trên cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Về phương thức, theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng các chính sách ưu đãi, thông thoáng của Chính phủ để đưa hàng lậu đi sâu, len lỏi vào thị trường trong nước với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như: che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh...

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng các đối tượng thực hiện nhập hàng gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi tiêu thụ tại nội địa, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

20240111_141312.jpg
Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, VCCI tổ chức chiều 11/01. Ảnh: D.THIỆN

Thêm một vấn đề nổi cộm gần đây được ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, đó là tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng công khai, xuất hiện tràn lan trên môi trường thương mại điện tử và mạng xã hội… trong bối cảnh các nền tảng này đang có sự phát triển rất mạnh mẽ.

Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm về kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến thương mại điện tử; xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỷ đồng.

Từ góc độ doanh nghiệp, Đại tá Chu Việt Sơn - Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21 cho biết, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm quốc phòng trang bị cho quân đội, đơn vị còn sản xuất một số mặt hàng phục vụ nền kinh tế quốc dân trong đó có mặt hàng pháo hoa. Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép người dân được sử dụng các sản phẩm pháo hoa chính hãng, an toàn được Công ty nghiên cứu và sản xuất. Lợi dụng chính sách này, một số đối tượng đã làm giả, làm nhái sản phẩm pháo hoa của đơn vị.

“Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng, cá biệt có những sản phẩm hàng giả khi người dân mua về nhưng bên trong trống rỗng” - Đại tá Sơn thông tin.

Cần sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội

Bình luận về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn hàng lậu, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, ông Đỗ Hồng Trung cho biết, trước hết, do tình hình phát triển kinh tế một số địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới còn hạn chế kéo theo công tác an sinh xã hội, cơ hội việc làm cho người dân chưa được đảm bảo, từ đó dẫn đến việc người dân thực hiện hành vi buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu bằng mọi hình thức lớn nhỏ thông qua chính sách khu vực biên giới hải đảo, cùng với đó là sự chênh lệch về giá đối với các mặt hàng trong nước chính ngạch với hàng hóa không chính ngạch.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự coi trọng, chưa quan tâm sát sao chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên, liên tục đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Mặt khác, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, chưa đồng bộ, thậm chí còn có những quy định chồng chéo, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Ngoài ra, theo ông Bùi Trung Nghĩa, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao, thậm chí vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng do tâm lý ham rẻ nên mua, sử dụng hàng lậu, hàng giả mà chưa hiểu biết hết những tác hại. Đồng thời, sự chung sức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế khiến vấn nạn này vẫn còn nhiều “đất sống”…

Để ngăn chặn, hạn chế vấn nạn này, ông Đỗ Hồng Trung cho rằng cần có sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội.

Theo đó, đối với các lực lượng chức năng, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực các kế hoạch, các chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng thời, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình về tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng và đề ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Mặt khác, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi bao che, “bảo kê”, tiếp tay đối với các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả. Song song với đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về tác hại, ảnh hưởng của tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái đến sự phát triển kinh tế cũng như sự ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với người dân, doanh nghiệp, cần tích cực chia sẻ với các lực lượng chức năng các thông tin về đối tượng, mặt hàng, địa điểm kho hàng, bến bãi để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả hơn.

Đặc biệt, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp cần “nói không” với hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu để giảm tối đa nhu cầu nhằm giảm nguồn cung, từ đó, hàng lậu, hàng giả không còn “đất sống”./.

Cùng chuyên mục
  • Định hướng MobiFone thành doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Đến năm 2025, Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ phát triển thành doanh nghiệp số, tạo lập các hệ sinh thái số và tạo ra nhiều nguồn doanh thu mới; là doanh nghiệp thuộc nhóm hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
  • Năm 2023: Xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD, giảm 6,9%
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,04 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước.
  • Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nộp ngân sách gần 2.000 tỷ đồng
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 3.643 tỷ đồng, bằng 115,3% so với kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.103 tỷ đồng, bằng 117,4% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.984 tỷ đồng, bằng 155,5% so với kế hoạch năm.
  • Thặng dư thương mại lớn với thị trường châu Âu, châu Mỹ
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2023, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu, châu Mỹ mang lại thặng dư thương mại cho Việt Nam khoảng 125 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt khoảng 166,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 41,8 tỷ USD, tổng kim ngạch dự kiến đạt khoảng 208,3 tỷ USD.
  • 10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư
    4 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa thông tin về 10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như nâng cao năng lực, cải thiện các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Nan giải “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại