Thặng dư thương mại lớn với thị trường châu Âu, châu Mỹ

(BKTO) - Năm 2023, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu, châu Mỹ mang lại thặng dư thương mại cho Việt Nam khoảng 125 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt khoảng 166,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 41,8 tỷ USD, tổng kim ngạch dự kiến đạt khoảng 208,3 tỷ USD.

Số liệu trên vừa được lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

2.jpg
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đón nhận Huân chương lao động hạng Ba. Ảnh: BCT

Kết quả đạt được này rất đáng khích lệ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chịu sự tác động tiêu cực từ sự sụt giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát ở mức cao dẫn đến sức mua của người tiêu dùng khu vực châu Âu - châu Mỹ giảm mạnh. Thêm vào đó là sức ép từ bất ổn địa chính trị, sự thay đổi sâu sắc trong hành vi và thói quen tiêu dùng tại các nước châu Âu - châu Mỹ.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tích cực đưa ra nhiều giải pháp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Các hoạt động này đã hỗ trợ tích cực cho xuất nhập khẩu của Việt Nam khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, giúp hạn chế tác động tiêu cực, gỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ để xử lý các vấn đề liên quan đến việc vận động Hoa Kỳ và một số nước đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường; bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Thaco, Tập đoàn TH cũng đánh giá cao những hoạt động của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ trong việc góp phần đẩy mạnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam hiện diện ở nước ngoài và từng bước chiếm lĩnh thị phần tại thị trường các nước châu Âu - châu Mỹ.

Trong năm 2023, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu như: cung cấp thông tin thị trường và tổ chức các Diễn đàn, hội thảo, hội nghị (06 diễn đàn thường niên); tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đặc biệt triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương các hoạt động Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”…

Với những kết quả công tác tích cực trong năm 2023, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Ghi nhận và biểu dương Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, năm 2024, Vụ cần quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đối ngoại để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư; tận dụng tối đa các quan hệ chính trị - ngoại giao để phát triển hợp tác thương mại - đầu tư; phối hợp với các đơn vị liên quan vận động các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Thị trường châu Âu - châu Mỹ là đối tác thương mại và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đây còn là địa bàn có nhiều nhà đầu tư hàng đầu với tiềm năng tài chính, khoa học công nghệ cao mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ cao...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Đồng thời, chú trọng nắm bắt tình hình, những biến động chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương... những phản ứng chính sách phù hợp, khả thi để vừa thúc đẩy hợp tác thương mại, vừa thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và đầu tư cho xứng tầm quan hệ chính trị, ngoại giao và vị thế của đất nước.

Cùng với đó, Vụ cần tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; nâng cấp, ký kết các FTA mới; làm tốt hơn chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài…/.

Cùng chuyên mục
  • 10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư
    10 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa thông tin về 10 điểm sáng nổi bật của ngành kế hoạch - đầu tư giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như nâng cao năng lực, cải thiện các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong thời gian tới.
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong năm 2023
    10 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có số lượng đề án được Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhất - 60/368 đề án (chiếm trên 16%).
  • Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95%
    10 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có sự cải thiện rõ rệt qua từng tháng, ước đạt 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,85 điểm phần trăm (91.42%).
  • Đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu chiến lược để làm tốt hơn nữa việc kiến tạo phát triển
    10 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sáng 11/01, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
  • Khai thác hiệu quả nguồn lực nhà nước tại doanh nghiệp
    10 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại Tọa đàm Sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp vừa tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi Luật hướng đến khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực nhà nước tại các doanh nghiệp.
Thặng dư thương mại lớn với thị trường châu Âu, châu Mỹ