(BKTO) - Ngày 16/8, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) thông qua Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), KTNN đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán và công tác đảm bảo chất lượng kiểm toán. Dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ: Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chuyên gia của USAID, lãnh đạo và Kiểm toán viên của các đơn vị trực thuộc KTNN.



Nâng cao giá trị của Báo cáo kiểm toán

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nhấn mạnh, sau khi Luật KTNN năm 2015 được ban hành quy định rõ về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán, KTNN đã nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan, như Hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN, sửa đổi các quy trình, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán… Quyết tâm tăng cường giá trị và hiệu lực của Báo cáo kiểm toán, KTNN không ngừng bổ sung, đổi mới các phương pháp chuyên môn, áp dụng các thông lệ tốt theo chuẩn mực quốc tế. Tại Hội thảo này, KTNN mong muốn các đại biểu sẽ cùng thảo luận và đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đồng thời chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các thông lệ quốc tế trong việc đánh giá dự toán NSNN. Kết quả Hội thảo nhằm góp phần giúp thiết chế KTNN đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và phát huy hơn nữa vai trò kiểm tra giám sát tài chính, tài sản công của Nhà nước.

Đề cập đến vai trò của Báo cáo kiểm toán của KTNN trong các quyết sách của Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho biết, đối với lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân sách từ việc làm luật và sửa luật đến giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan thì kết quả kiểm toán đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội. Kết quả kiểm toán thể hiện trong sản phẩm cuối cùng của hoạt động kiểm toán là Báo cáo kiểm toán cung cấp rất nhiều thông tin cho Quốc hội để quyết định các vấn đề về kinh tế, tài chính - ngân sách.

Thể hiện rõ những nỗ lực của KTNN trong việc không ngừng nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - chia sẻ: Sau khi KTNN ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN và Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán năm 2016, công tác lập Báo cáo kiểm toán đã có nhiều điểm mới.

Thứ nhất là quy định rõ về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đối với việc lập Báo cáo kiểm toán.

Theo đó, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán tổ chức lập dự thảo Báo cáo kiểm toán, chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán trong suốt quá trình hoàn chỉnh Báo cáo kiểm toán đến khi phát hành Báo cáo kiểm toán.

Thứ hai, mỗi Đoàn kiểm toán có thể có nhiều Báo cáo kiểm toán nhưng không có Báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán. Tổ kiểm toán chỉ lập Biên bản kiểm toán và sẽ được phát hành sau khi Báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán được phát hành.

Thứ ba, về tổ chức xét duyệt dự thảo Báo cáo kiểm toán, ở cấp Vụ, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thành lập tổ thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán và tổ chức xét duyệt dự thảo Báo cáo kiểm toán. Ở cấp ngành, việc tổ chức thẩm định, xét duyệt Báo cáo kiểm toán ngoài những ý kiến tham gia của các thành viên tham dự xét duyệt thì lãnh đạo KTNN là người kết luận và chịu trách nhiệm với ý kiến kết luận của mình.

Cùng với đó, để kiểm soát chất lượng kiểm toán, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán phân định rõ các cấp độ kiểm soát chất lượng để kiểm soát toàn diện, thường xuyên, chi tiết từ khảo sát thu thập thông tin lập Kế hoạch kiểm toán đến lập và gửi Báo cáo kiểm toán, từ mục đích, phạm vi, nội dung, cách thức, trách nhiệm, quyền hạn, trình tự thủ tục, hồ sơ tài liệu để đảm bảo chất lượng kiểm toán và chất lượng Báo cáo kiểm toán.

Kinh nghiệm lập Báo cáo kiểm toán hiệu quả

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kỹ năng lập Báo cáo kiểm toán hiệu quả, ông Jose Oyola - chuyên gia tư vấn quốc tế dự án GIG - đã chỉ rõ những khó khăn thường gặp như báo cáo không xác định tầm quan trọng quốc gia của đơn vị được kiểm toán, không mô tả mục tiêu kiểm toán cụ thể, không thể hiện mối liên kết giữa mục tiêu kiểm toán với tiêu chuẩn kiểm toán, không đề cập đến độ tin cậy của công tác kiểm soát nội bộ tại đơn vị được kiểm toán; hoặc tổ kiểm toán không tìm thấy đủ bằng chứng đáng tin cậy để đạt được từng mục tiêu, không phân biệt được thông tin thiết yếu và không thiết yếu; không xác định được ý nghĩa của kết quả kiểm toán đối với các chương trình khác…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: HỒNG THOAN

Gợi ý những thực tiễn tốt nhất để các đơn vị chuyên môn của KTNN có thể chuẩn bị Báo cáo kiểm toán hiệu quả, ông Jose Oyola lưu ý: Các Báo cáo kiểm toán tài chính và tuân thủ phải áp dụng các mẫu biểu đã được sử dụng trên phạm vi quốc tế; Báo cáo kiểm toán hoạt động nên sử dụng cấu trúc logic mẫu của KTNN, bổ sung thêm Phần Tóm tắt; yêu cầu phải có Thư quản lý (của bên được kiểm toán) trong Báo cáo kiểm toán; sử dụng ma trận thiết kế Kế hoạch kiểm toán cuối cùng để viết báo cáo, sử dụng ma trận khác nhau cho mỗi loại hình kiểm toán riêng biệt. KTNN rất cần tăng khả năng truyền thông thông qua các công cụ hiện đại và tập huấn cán bộ sử dụng đồ họa, thống kê, hình ảnh, video.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các KTNN chuyên ngành, khu vực đã thẳng thắn trao đổi về những nội dung mà Chuyên gia Jose Oyola đã đề cập, đồng thời đưa ra một số câu hỏi liên quan đến mẫu biểu kiểm toán của từng loại hình kiểm toán; Thư quản lý; Báo cáo kiểm toán tổng hợp cả 3 loại hình kiểm toán Báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động thì phải xử lý như thế nào… để chuyên gia giải đáp. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chuyên gia Jose Oyola chia sẻ thêm kinh nghiệm về quy mô của Đoàn kiểm toán; cơ cấu của Báo cáo kiểm toán hoạt động; cách thức kết hợp hiệu quả giữa các kỹ năng lập Báo cáo kiểm toán.

Để đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán có đầy đủ bằng chứng, khả thi, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, các kết quả kiểm toán được xử lý minh bạch, nâng cao hiệu quả kiểm toán, nâng cao trách nhiệm của các Kiểm toán viên, lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đề xuất cần phải xây dựng cơ chế đảm bảo cơ sở cho hoạt động giám sát thường xuyên tất cả các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán; thực hiện các giải pháp đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên theo từng cấp độ; xây dựng cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc giám sát các hoạt động kiểm toán; hoàn thiện đổi mới phương pháp kiểm soát phù hợp với thực tế, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát đảm bảo 100% các đoàn phải được giám sát thông qua theo dõi nhật ký và các tài liệu bằng chứng đính kèm.

HỒNG THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 17-8-2017
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán