Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ mô hình Bệnh viện Chị - Em

(BKTO) - Với mục tiêu hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, TP Hà Nội đã thí điểm và đang từng bước nhân rộng mô hình “Bệnh viện Chị - Em” nhằm phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn... từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô.

518012569_1212975223961665_8000734470592107117_n(1).jpg
Bác sĩ BVĐK Hà Đông trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh cho người dân tại BVĐK huyện Chương Mỹ. Ảnh: TS

Hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Đông và BVĐK huyện Chương Mỹ vừa tiến hành sơ kết 3 tháng triển khai mô hình “Bệnh viện Chị - Em” với nhiều kết quả tích cực được ghi nhận.

Trước đó, BVĐK Hà Đông và BVĐK huyện Chương Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ toàn diện theo mô hình Chị - Em, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của BVĐK huyện Chương Mỹ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Sau 3 tháng triển khai mô hình này, hai Bệnh viện đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Thông qua các đợt hỗ trợ của BVĐK Hà Đông, đội ngũ bác sĩ BVĐK huyện Chương Mỹ đã được tiếp cận, thực hành thêm nhiều kỹ thuật mới. Đồng thời, hai đơn vị đã phối hợp tổ chức hội chẩn trực tuyến định kỳ đối với các ca bệnh khó, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian chuyển tuyến không cần thiết.

Đặc biệt, BVĐK Hà Đông đã tích cực hỗ trợ BVĐK huyện Chương Mỹ trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; trong đó có việc phối hợp cải tạo khu khám bệnh chất lượng cao tại BVĐK huyện Chương Mỹ. Định kỳ vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, bệnh viện cử các bác sĩ chuyên khoa về trực tiếp khám bệnh theo yêu cầu, tham gia đi buồng, hội chẩn, phẫu thuật các ca bệnh khó thuộc các chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Trong các tình huống khẩn cấp, Bệnh viện đã cử bác sĩ về tham gia phẫu thuật cấp cứu kịp thời; thực hiện hội chẩn từ xa thông qua điện thoại, Zalo và các phương tiện khác.

Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BVĐK huyện Chương Mỹ tăng lên rõ rệt, tỷ lệ chuyển tuyến giảm. Thống kê trong 3 tháng triển khai mô hình, Nội khoa có 1.277 ca bệnh; Ngoại khoa: 1.017 ca bệnh; Sản khoa: 314 ca bệnh; Nhi khoa: 138 ca bệnh.

Các bác sĩ BVĐK Hà Đông đã hội chẩn, đi buồng và trực tiếp phẫu thuật 23 ca bệnh khó, trong đó: Phẫu thuật Ngoại khoa: 20 ca; phẫu thuật Sản - Phụ khoa: 03 ca, trong đó có 21 ca mổ phiên, 02 ca mổ cấp cứu - Ths.Bs.Trương Bá Tứ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK Chương Mỹ cho biết.

Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả từ mô hình Bệnh viện Chị - Em. Trước đó, mô hình này được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm từ tháng 9/2023, áp dụng đầu tiên với 3 bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Với mô hình này, hằng ngày, các bác sĩ tuyến trên thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn với tuyến dưới, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca nặng.

Các hoạt động hỗ trợ toàn diện trên tất cả lĩnh vực như quản trị bệnh viện; đào tạo, hướng dẫn thực hành; phát triển chuyên môn kỹ thuật với nhiều hình thức hỗ trợ như hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ từ xa (online), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. "Trong các cuộc hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân tham gia nói chuyện cùng bác sĩ. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được khám ra sao, kê đơn thuốc nào thì bệnh nhân ở các trạm y tế xã, bệnh viện huyện ở Ba Vì cũng vậy" - TS. Đỗ Đình Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết.

Đẩy mạnh đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”

Thực tế cho thấy, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song việc triển khai mô hình Bệnh viện Chị - Em vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức. Theo lãnh đạo BVĐK Hà Đông, một trong những thách thức trong triển khai mô hình này là thiếu các dịch vụ cận lâm sàng chuyên sâu tại tuyến dưới; bên cạnh đó là những khó khăn trong tư vấn và thuyết phục người bệnh, do một bộ phận người dân chưa sẵn sàng tiếp nhận các dịch vụ mới hoặc chưa tin tưởng vào năng lực của tuyến huyện…

b69cfdb223b49fbc8ff7f668f2a71a473218df0815a84ccedfe722b71135366c523369ebf-_408117975_700637635499588_353076-1706605806395.jpg
Bác sĩ BVĐK huyện Ba Vì kết nối trực tiếp bệnh nhân với chuyên gia BVĐKXanh Pôn. Ảnh: daibieunhandan.vn

Để khắc phục khó khăn và tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Bệnh viện Chị - Em, trong thời gian tới, BVĐK huyện Chương Mỹ đề xuất hỗ trợ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Bệnh viện sẽ cử bác sĩ, điều dưỡng đến BVĐK Hà Đông học tập ở các chuyên khoa Ngoại, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Huyết học truyền máu và hỗ trợ tổ chức đào tạo, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, hai đơn vị tăng cường phối hợp chuyên môn liên viện; tổ chức hội chẩn chuyên môn định kỳ, hội chẩn đột xuất từ xa, báo động đỏ liên viện khi cần thiết; hỗ trợ nguồn máu cho BVĐK huyện Chương Mỹ trong các tình huống khẩn cấp.

Đồng thời, phát triển hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên môn liên viện; hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn BVĐK huyện Chương Mỹ trong xây dựng đề cương, đăng ký và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; chú trọng việc kết nối hệ thống công nghệ thông tin - dữ liệu y tế, tiến tới kết nối bệnh án điện tử, hệ thống LIS/PACS, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa hai đơn vị để phục vụ công tác Khám chữa bệnh, hội chẩn, quản lý người bệnh.

Ths.Bs.Vũ Tuấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách BVĐK huyện Chương Mỹ - chia sẻ, những kết quả đạt được vừa qua mới chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, BVĐK huyện Chương Mỹ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện hiệu quả sự hợp tác giữa hai bên; hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Nhằm phát huy hiệu quả của mô hình Bệnh viện Chị - Em, cuối tháng 5 vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về việc hỗ trợ chuyên môn cho các cấp khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đến năm 2030. Trong đó, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện Chị - Em”, UBND Thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình này với nội dung hỗ trợ bao gồm: phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, cải tiến quy trình vận hành bệnh viện và nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh tại đơn vị tuyến dưới.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, triển khai ứng dụng bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo đúng lộ trình quy định của Bộ Y tế; hoàn thành việc thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện; đồng thời tổ chức thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm cùng hạng; tiếp tục hoàn thiện, mở rộng và khai thác hiệu quả hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa...

UBND Thành phố giao Sở Y tế tập trung rà soát, đánh giá năng lực chuyên môn của các bệnh viện trực thuộc để phân công nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới theo từng cấp; chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ chuyên môn theo lộ trình hằng năm...

Việc tiếp tục nhân rộng  mô hình “Bệnh viện Chị- Em” sẽ là giải pháp hiệu quả, thiết thực góp phần thay đổi chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn Thủ đô; đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, nhanh nhất, gần nhất./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ mô hình Bệnh viện Chị - Em