Phân cấp giải quyết 70% thủ tục hành chính về Sở Y tế
Ngày 31/12/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BYT về việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực KCB thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế và Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 01/3/2025. TS,BS. Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế - cho biết, Thông tư số 57 có nhiều điểm đột phá nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, cải cách TTHC trong lĩnh vực KCB. Thông tư này nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; đồng thời quán triệt thực hiện đầy đủ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ.
Đáng chú ý, tại Thông tư số 57, Bộ Y tế đã thực hiện phân cấp thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết TTHC trong lĩnh vực KCB từ Bộ Y tế về Sở Y tế đối với hàng loạt hoạt động. Cụ thể như, phân cấp trong việc cấp giấy phép hành nghề KCB (bao gồm: cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép hành nghề KCB đối với người làm việc tại các bệnh viện tư nhân); điều chỉnh giấy phép hoạt động khi việc điều chỉnh này do thay đổi quy mô hoạt động của các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý đối với các trường hợp điều chỉnh quy mô không quá 100 giường bệnh; bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật không thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt; xác nhận nội dung quảng cáo (gồm: cấp, cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ KCB cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý); đăng ký hành nghề KCB đối với người hành nghề làm việc tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý.
Đối với các TTHC tiếp tục thực hiện tại Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục phân cấp thẩm quyền ban hành kết quả của TTHC từ lãnh đạo Bộ cho lãnh đạo các Cục có liên quan. “Dự kiến, khi Thông tư có hiệu lực sẽ góp phần giảm khoảng 70% số lượng hồ sơ giải quyết TTHC trong lĩnh vực KCB nộp về Bộ Y tế, được chuyển về thực hiện tại Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, giảm còn khoảng 80% thời gian thực hiện giải quyết các TTHC so với giai đoạn hiện nay trên cơ sở phân cấp thẩm quyền ban hành kết quả TTHC từ lãnh đạo Bộ cho lãnh đạo các cục có liên quan” - ông Hà Anh Đức nhấn mạnh.
Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo việc cải cách TTHC, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ công tác KCB để khắc phục tồn tại, giảm phiền hà, tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và Quỹ BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bước tiến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Cùng với đẩy mạnh phân cấp trong quản lý KCB, ngay trong ngày đầu năm 2025, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT hướng dẫn việc đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển cơ sở KCB BHYT cho hơn 13.000 cơ sở KCB trên cả nước.
Một trong những quy định thu hút sự quan tâm của dư luận là Thông tư số 01 đã quy định danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được hưởng 100% mức hưởng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 22 của Luật BHYT, trong đó có danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được KCB tại cơ sở KCB cấp chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở KCB trong thời hạn một năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch. “Những quy định mới này nhằm cải cách thủ tục KCB, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT” - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thông tư số 01 cũng quy định việc sử dụng phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển cơ sở KCB bằng cả bản giấy và bản điện tử nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID. Quy định này giúp công khai, minh bạch trong chuyển cơ sở KCB, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người bệnh, cơ sở KCB khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển người bệnh, tái khám. “Với quy định này, tại Bệnh viện K, ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, có khoảng 20.000 người bệnh đang được tiếp tục điều trị mà không cần giấy chuyển viện vì giấy chuyển tuyến trước đó của người bệnh đã hết hạn” - đại diện Bệnh viện K thông tin.
Cũng từ 01/01/2025, khi Thông tư số 22/2024/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB - chính thức có hiệu lực - đã giải quyết được bức xúc bấy lâu nay khi người bệnh có thẻ BHYT mà phải tự bỏ tiền túi đi mua thuốc bên ngoài. Theo đó, trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ hoàn trả tiền lại cho bệnh nhân nếu tại thời điểm kê thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã được duyệt.
Tương tự, Thông tư số 37/2024/TT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Theo đó, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị mà không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Theo các bác sĩ, quy định mới này sẽ giúp người dân có nhiều sự lựa chọn hơn, bớt đi lại gây phiền hà. Khi danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế được bổ sung sẽ giúp giảm gánh nặng cho tuyến trên, người bệnh mạn tính được quản lý, cấp phát thuốc từ cấp địa phương.
Với hàng loạt quy định mới, đột phá, ngành y tế đang hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho người dân trong KCB cũng như thụ hưởng quyền lợi BHYT./.