Tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán của KTNN, ông Lê Đức Luận - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán nhấn mạnh báo cáo kiểm toán là sản phẩm cuối cùng, là kết quả của quá trình thực hiện của một cuộc kiểm toán, phản ánh toàn bộ đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã thực hiện của một cuộc kiểm toán. Do đó, chất lượng báo cáo kiểm toán phụ thuộc vào chất lượng cuộc kiểm toán, chất lượng lập và thẩm định báo cáo kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản.
Trước hết, trong khâu chuẩn bị kiểm toán, đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, cần coi trọng việc xây dựng đề cương (hoặc hướng dẫn) kiểm toán nhằm cập nhật nhanh nhất hệ thống văn bản, pháp luật và các quy định để xác định rõ trọng tâm, đơn vị, nội dung, thủ tục kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn được thời gian kiểm toán.
Đồng thời, trong công tác khảo sát thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán của đoàn kiểm toán phải được quan tâm hơn nữa, ngay cả khi đã lựa chọn đầu mối, đơn vị được kiểm toán từ trước thì vẫn cần chú trọng thu thập thông tin để xác định đúng trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, tránh dàn trải quá nhiều nội dung.
Trong khâu thực hiện kiểm toán, vấn đề bằng chứng kiểm toán là quan trọng nhất đối với mọi cuộc kiểm toán và ảnh hưởng lớn đến chất lượng báo cáo kiểm toán. Do đó, tổ kiểm toán và kiểm toán viên cần chú trọng hơn nữa việc thu thập đủ bằng chứng, đặc biệt là cơ sở pháp lý phải viện dẫn đầy đủ, chính xác và phù hợp; các trường hợp hiểu khác nhau, không thống nhất, còn mâu thuẫn thì khẩn trương báo cáo lãnh đạo KTNN để chỉ đạo các Vụ tham mưu kịp thời nghiên cứu, phân tích và quyết định.
Bên cạnh đó, các tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán của các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực cần tăng cường tự kiểm soát chất lượng đột xuất tại các tổ kiểm toán, kiểm soát tốt biên bản kiểm toán để kiểm soát bằng chứng kiểm toán ngay trong quá trình kiểm toán, qua đó giúp kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu các vấn đề cần lưu ý, vấn đề khó, các văn bản mới, các vấn đề nổi cộm… để hỗ trợ đoàn kiểm toán và thẩm định báo cáo kiểm toán ở cấp Vụ được tốt hơn.
Các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực khi lập báo cáo kiểm toán và thẩm định báo cáo kiểm toán ở cấp Vụ cần rà soát kỹ, đối chiếu với bằng chứng kiểm toán. Đồng thời, cần lựa chọn, sàng lọc nội dung cần thiết để trình bày trong báo cáo kiểm toán, đặc biệt cần làm nổi bật những kết quả kiểm toán quan trọng và không chủ quan, suy diễn kết quả kiểm toán…
Để nâng cao chất lượng kiểm toán, theo ông Bùi Thanh Lâm - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I, việc lựa chọn nhân sự để giao phó nhiệm vụ là đặc biệt quan trọng và cũng là nhân tố quyết định sự thành công của mỗi cuộc kiểm toán.
Kinh nghiệm của KTNN khu vực I là luôn thực hiện tốt việc đảm bảo tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất trong việc bố trí các chức danh Trưởng, Phó đoàn kiểm toán, các Tổ trưởng tổ kiểm toán, đảm bảo có đủ năng lực, tiêu chuẩn theo quy định.
Đối với mỗi cuộc kiểm toán, trước khi triển khai thực hiện kiểm toán tại đơn vị, Kiểm toán trưởng tổ chức cuộc họp với các Đoàn kiểm toán để phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của KTNN về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn đạo đức công vụ nói chung và trong hoạt động kiểm toán nói riêng.
Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán được tăng cường thường xuyên thông qua việc đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm soát. Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán luôn được đặc biệt quan tâm, đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, cũng như ngăn ngừa các hành vi gian lận, tiêu cực gây ra rủi ro cho hoạt động kiểm toán.
Nhằm hạn chế chồng chéo trong công tác kiểm toán, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án tổ chức kiểm toán lồng ghép tối đa các chuyên đề kiểm toán vào cuộc kiểm toán ngân sách địa phương nhằm giảm số lượng cuộc kiểm toán trên một địa bàn. Trong trường hợp có cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc kiểm toán hoạt động độc lập cùng địa bàn với cuộc kiểm toán ngân sách địa phương thì bố trí thực hiện cùng đợt để cùng tổ chức triển khai, tổ chức kết luận để giảm thiểu các cuộc họp với địa phương.
Đề cập đến những kết quả tích cực của KTNN khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, bà Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Tin học cho biết, năm 2022 là năm Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, trong đó có KTNN. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ là một trong 03 trụ cột phát triển của Ngành. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin luôn được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo KTNN quan tâm và dành nguồn lực để phát triển.
Trong năm 2022, KTNN đã hoàn thành xây dựng Kiến trúc cơ sở dữ liệu của Ngành, đây là cơ sở quan trọng để KTNN xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu trong một chỉnh thể thống nhất, đảm bảo khả năng liên kết, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng dữ liệu lớn, với định hướng xây dựng dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán làm trọng tâm.
Bên cạnh đó, KTNN đã triển khai chính thức Cổng trao đổi thông tin nhằm tăng cường trao đổi dữ liệu số giữa KTNN với các đơn vị được kiểm toán. Đây là kênh trao đổi thông tin hai chiều giữa KTNN với đơn vị được kiểm toán; giúp các đơn vị được kiểm toán kịp thời nắm bắt kế hoạch kiểm toán, kết quả kiểm toán và theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị mình. Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin để KTNN tiếp nhận các khiếu nại, kiến nghị kiểm toán và thông tin, dữ liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp phục vụ hoạt động kiểm toán.
Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên KTNN thực hiện thí điểm cuộc kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Với thời gian ngắn nhưng KTNN đã nỗ lực hoàn thành việc số hóa, xây dựng hệ thống trao đổi, tiếp nhận dữ liệu phục vụ cuộc kiểm toán. Cuộc kiểm toán đã đạt kết quả tốt với nhiều phát hiện, kiến nghị quan trọng. Đó là tiền đề để KTNN mở rộng việc kết nối, trao đổi dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán, hướng tới kiểm toán trong môi trường số…
Với những kết quả đã đạt được năm 2022, để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành, từng bước tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán trong môi trường số, KTNN đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trước hết là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của KTNN; từng bước xây dựng cơ chế, chính sách trong việc kết nối, trao đổi, cung cấp dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán nhằm từng bước triển khai công tác kiểm toán trong môi trường số.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ ưu tiên việc xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán, thông qua việc thực hiện mở rộng kết nối, trao đổi dữ liệu số với các Bộ, ngành, đơn vị được kiểm toán. Mặt khác, số hóa, tích hợp, tạo lập dữ liệu và đưa vào sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, dự toán ngân sách và hệ thống thông tin đấu thầu, mua sắm công, giúp kiểm toán viên khai thác thông tin về tài chính, mua sắm công của các đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Đồng thời, năm 2023, KTNN cũng xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, tổng hợp lập báo cáo kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán. Song song với đó là thực hiện đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ và theo mô hình “04 lớp”, trong đó lấy việc bảo vệ dữ liệu làm trọng tâm…