Nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế cơ sở

(BKTO) - Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở. Với tổng nguồn vốn đầu tư là 126,25 triệu USD, Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) tại các tỉnh dự án.




Lãnh đạo Bộ Y tế ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án với một số địa phương

Đổi mới toàn diện, nâng cao vị thế của y tế cơ sở

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, YTCS được coi là nền tảng của ngành y tế. Đây là tuyến gần dân nhất, thực hiện các hoạt động chăm sóc y tế cho người dân nhanh nhất. Thời gian qua, YTCS đã phát huy được hiệu quả, ngành y tế cũng đã quan tâm đầu tư cho YTCS, song thực tế chưa được như mong muốn. Vì thế, tới đây, ngành y tế sẽ thay đổi toàn diện, căn bản cả về phương thức hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính lẫn phương thức chi trả, nhằm nâng cao chất lượng cũng như vị thế và ảnh hưởng của YTCS. Đặc biệt, Bộ Y tế đang triển khai mạnh mẽ việc kết nối trên toàn tuyến qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế tốt nhất của tuyến trên ngay tại cơ sở.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để các tỉnh dự án thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới.

Cải thiện cơ sở vật chất và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Bà Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban Quản lý dự án T.Ư - cho biết, hiện cả nước có hơn 11.000 trạm y tế, trong số đó, gần một nửa số trạm phải nâng cấp, sửa chữa. Nhiều trạm thiếu thốn cơ sở vật chất và thiếu các loại thuốc thiết yếu. Dự án lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới YTCS tại các tỉnh dự án… Với mục tiêu đó, Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khoẻ, khám, chữa bệnh ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần bảo đảm sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Cụ thể, Dự án sẽ đầu tư cơ sở vật chất, bao gồm: xây mới 138 trạm y tế, cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế xã; cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện thuộc 13 tỉnh dự án; cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ YTCS; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở… Bên cạnh đó, Dự án sẽ hỗ trợ nghiên cứu xây dựng, áp dụng một số chính sách và các sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã và kết nối với trung tâm y tế huyện cũng như các cơ sở tuyến trên.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án với đại diện một số tỉnh tham gia Dự án. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, mục tiêu của Dự án là phục vụ sự đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho YTCS. Vì thế, các địa phương đầu tư có trọng điểm, không tràn lan, trạm y tế nào xuống cấp quá thì đầu tư, cán bộ y tế tại trạm sử dụng được các kỹ thuật nào thì đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp, tránh lãng phí khi thực hiện Dự án.
         
Dự án được triển khai trong 5 năm (2020-2025) với tổng nguồn vốn là 126,25 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD và vốn đối ứng là 21,25 triệu USD. Cơ quan chủ quản Dự án là Bộ Y tế và 13 UBND tỉnh thụ hưởng Dự án.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẢO
Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo chế độ an sinh cho người dân vùng lũ
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trước tình hình thiên tai, bão lũ tại miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, đời sống, tài sản của nhân dân và các tổ chức, DN. Cùng với sự quan tâm, kịp thời chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp ngành, địa phương, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, áp dụng linh hoạt các biện pháp giải quyết chế độ chính sách kịp thời cho người dân...
  • Người lao động cần nhận thức rõ lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Từ góc độ một chuyên gia, cũng là người đã tham gia và đang thụ hưởng những lợi ích từ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, BHXH đem lại những lợi ích cho người lao động mà không một khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được.
  • Hòa Bình: Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Công tác tuyên truyền giúp người dân, đơn vị sử dụng lao động nâng cao hiểu biết, tuân thủ chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, BHXH tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
  • Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm, nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS là phải có những quy định cụ thể hơn nhằm huy động và tăng cường nguồn lực cho công tác này.
  • Thu hút đầu tư cho giáo dục chưa xứng với tiềm năng
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hành lang pháp lý trong đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam thời gian qua đã không ngừng được cải thiện. Gần đây nhất, việc ban hành Luật Giáo dục 2019; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cùng các nghị định quy định về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục... là lợi thế để Việt Nam thúc đẩy, huy động nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế cơ sở