Diễn đàn chuyên đề số 5 là Diễn đàn duy nhất thảo luận về công tác quản lý tài chính, tài sản được tổ chức trước thềm Đại hội Công đoàn Việt nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Viện khoa học và hơn 120 đại biểu đến từ 10 đoàn đại biểu về dự Đại hội Công đoàn Việt nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, bao gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam XII (nhiệm kỳ 2018-2023), công tác tài chính, tài sản công đoàn đã được quan tâm chỉ đạo, các cấp Công đoàn chủ động từng bước đổi mới theo định hướng chú trọng hiệu quả, công khai minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2018-2022, tổng thu tài chính công đoàn tăng bình quân 7,5%/năm. Trong đó, thu kinh phí công đoàn tăng bình quân 17,6%/năm; thu đoàn phí công đoàn tăng bình quân 13,2%/năm. Tổng chi tài chính tăng bình quân 8,6%/năm, tập trung chủ yếu là chi hoạt động phong trào chiếm tỷ trọng bình quân 76,9% và tăng bình quân 15%/năm.
Cơ chế tài chính lĩnh vực sự nghiệp, kinh tế công đoàn tiếp tục đổi mới. Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp của tổ chức công đoàn đã được các cấp công đoàn tích cực triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Cơ chế quản lý về tài chính, tài sản công đoàn đi vào thực chất, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng và rõ nét, đáp ứng yêu đổi mới tổ chức hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Với mục tiêu tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cho nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung vào các vấn đề: Xây dựng tài chính công đoàn phát triển bền vững; Rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính, tài sản công đoàn; Chống thất thu kinh phí và đoàn phí, tăng dần tỉ trọng thu đoàn phí trong cơ cấu thu tài chính công đoàn; Chi tiết kiệm, hiệu quả, tăng chi trực tiếp cho đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện công khai tài chính, đảm bảo minh bạch để đoàn viên, người lao động giám sát...
Trình bày tham luận tại diễn đàn, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, LĐLĐ Thành phố hiện đang quản lý 9.360 công đoàn cơ sở với trên 700.000 đoàn viên; 45 Công đoàn cấp trên cơ sở; 9 đơn vị sự nghiệp, 3 doanh nghiệp Công đoàn trực thuộc. Trong nhiệm kỳ qua, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã nỗ lực trong công tác quản lý tài chính, tài sản, đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và phúc lợi đoàn viên.
Cụ thể, thu kinh phí Công đoàn bình quân đạt 118%; thu đoàn phí Công đoàn đạt 109% dự toán. Chi tài chính Công đoàn theo đúng dự toán được giao. Hầu hết các đơn vị doanh nghiệp Công đoàn trực thuộc LĐLĐ Thành phố hoạt động hiệu quả, bám sát kế hoạch thành phố giao. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc xây dựng và thực hiện cơ chế tự chủ theo các qui định của Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn thu để đảm bảo thực hiện cơ chế tự chủ tại đơn vị.
Công tác thực hiện công khai dự toán, quyết toán cho các cấp Công đoàn được duy trì hàng năm, hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện công khai tài chính Công đoàn theo đúng qui định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. 100% báo cáo quyết toán các Công đoàn cấp trên cơ sở được kiểm tra đồng cấp trước khi nộp về LĐLĐ Thành phố Hà Nội.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của LĐLĐ Thành phố Hà Nội, để xây dựng nguồn tài chính mạnh, phát triển bền vững, đồng chí Lê Đình Hùng đề xuất tổ chức Công đoàn cần có những giải pháp mở rộng phát triển nguồn lực tài chính tiềm năng trong tương lai, trước mắt là từ những đơn vị, doanh nghiệp kinh tế của tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, tranh thủ nguồn lực của cơ quan chuyên môn, tiết kiệm chi hành chính để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn các cấp phải tiếp tục đổi mới phương thức thu, nộp, quản lý tài chính, tài sản Công đoàn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hóa. Đồng thời, chủ động cân đối nguồn kinh phí được sử dụng hàng năm, phân bổ các mục chi đúng quy định; tổ chức chi đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đặc biệt ưu tiên chi cho các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Liên quan đến vấn đề phân cấp thu trong quản lý và đối chiếu số thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, đại diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét có cơ chế đặc thù cho các đơn vị có nguồn thu cao, tích lũy tài chính công đoàn lớn được mở rộng đối tượng chi, nâng mức chi đảm bảo cân đối thu chi trong năm phục vụ tốt hoạt động công đoàn, chăm lo bảo vệ đoàn viên người lao động và cán bộ công đoàn đặc biệt là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ thu tài chính công đoàn.
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn sớm hoàn chỉnh phần mềm kế toán công đoàn đáp ứng yêu cầu quản lý thu, chi tài chính công đoàn các cấp, phục vụ tốt công tác theo dõi công nợ, đôn đốc thu kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tài chính tại các đơn vị, kịp thời chấn chỉnh công tác thu tài chính công đoàn đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động tại các cấp công đoàn.