Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản

(BKTO) - Để phát triển bền vững ngành thủy sản trong giai đoạn tới, cần đẩy mạnh công tác quản lý tàu cá, chú trọng công tác tổ chức sản xuất, khai thác thủy sản, đặc biệt phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột, gồm: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến...



Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 10/6.
                
   

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ NN&PTNT - Ảnh: mard.gov.vn

   

Nhiều khó khăn, thách thức

Thời gian qua, ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, 5 tháng năm 2021, ngành này vẫn ghi nhận tăng trưởng khả quan. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam…

Bên cạnh những mặt đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, sản xuất, tiêu thụ, chế biến thủy sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) chưa được tháo dỡ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Hiện nay, cường lực khai thác thủy sản vẫn ở mức cao trong thời gian qua dẫn đến hiệu quả sản xuất của nghề khai thác hải sản giảm, trong khi đó công tác ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác chưa được nhiều.

Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động trong khai thác thủy sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương; trình độ văn hóa của lực lượng lao động trên biển so với mặt bằng chung của xã hội hiện nay còn thấp, ảnh hưởng đến việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào khai thác, bảo quản, sản xuất.

Đặc biệt, hạ tầng cảng cá còn thiếu hoặc xuống cấp, việc duy tu, sửa chữa định kỳ còn hạn chế, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Luồng lạch vào cảng bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu thuyền ra, vào, neo đậu không đảm bảo an toàn…

Cần thực hiện đồng bộ 3 trụ cột

Theo kế hoạch chỉ tiêu khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021, tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%.

Định hướng đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD; đồng thời, giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động của cả nước.
                
   

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,6 tỷ USD - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Để đạt được mục tiêu trên, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, song song với việc thúc đẩy thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng đánh bắt và khai thác thủy sản, ngành thủy sản cũng có những chiến lược đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Từ đó có thể sắp xếp lại đội ngũ và thực hiện bổ sung được nhân lực cho công tác hậu cần trong lĩnh vực thủy sản. Thực hiện được điều này cũng sẽ giúp ngư dân ổn định và nâng cao đời sống trong các điều kiện yêu cầu về khai thác, đánh bắt mới.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đề nghị, Bộ NN&PTNT cần giao cho các đơn vị chức năng của Bộ sớm điều tra nguồn lợi thủy sản để các địa phương quản lý và có kế hoạch chỉ đạo sản xuất phù hợp. Đồng thời nâng cao chất lượng dự báo ngư trường khai thác thủy sản để người dân chủ động khai thác tăng hiệu quả sản lượng hải sản; đổi mới trang thiết bị khai thác theo hướng giảm khai thác ven biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nhấn mạnh đến khai thác hải sản một cách bền vững, Thứ trưởng nêu rõ, nếu không làm tốt bảo tồn thì sẽ không có nguồn lợi phát triển bền vững, đảm bảo bền vững giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu. Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành thủy sản phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột, gồm: Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.

“Vì vậy, ngành phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, cơ cấu lại các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản