Nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp Việt

(BKTO) - Trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng DN Việt tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế, đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả để nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Việt.

06-2015.jpg
Hiện nay, số lượng DN Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Ảnh minh họa: S.T

Số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn thấp

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong số đó mới có khoảng hơn 100 DN tư nhân trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 DN là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba. Những con số trên cho thấy số lượng DN Việt tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn khá hạn chế.

Lý giải nguyên nhân, chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho DN” mới diễn ra, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, các DN cung ứng của Việt Nam thừa nhận các tập đoàn toàn cầu có mong muốn tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước, song đi kèm với cơ hội là thách thức từ những yêu cầu kỹ thuật cao, khắt khe. Theo đó, các DN Việt phải chịu sự đánh giá và kiểm soát thường nhật theo các tiêu chuẩn khắt khe của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất tính theo ngày chứ không phải theo tháng. Bên cạnh đó, các DN phải chịu áp lực rất lớn từ những yêu cầu về đảm bảo tiến độ giao hàng và chất lượng sản phẩm đúng như cam kết.

Đặc biệt, theo ông Bình, hiện nay, các DN nhập khẩu của nước ngoài, đứng trước xu thế phát triển chung, sự thay đổi về quy định pháp luật, cũng như áp lực từ người tiêu dùng trong nước đã tạo ra các tiêu chuẩn ngày một cao hơn về sản xuất xanh, buộc các DN tại các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thực thi các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), cũng như áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đã không còn là một sự lựa chọn nữa mà đã trở thành hướng đi tất yếu đối với các DN Việt.

Ví dụ như, khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN Việt không những phải tuân thủ các quy định thông thường của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các tiêu chuẩn mới được nhiều thị trường đặt ra gần đây, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của Liên minh châu Âu (EU) hay Quy định Chống phá rừng của EU.

Hay như, các hãng thời trang lớn như Nike, Adidas, H&M, Zara, Uniqlo… đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu hữu cơ, giảm tiêu thụ nước, năng lượng và thực hiện tái chế chất thải. Điều này đã buộc các DN dệt may Việt Nam phải đầu tư mạnh hơn để chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Chỉ ra thêm hạn chế của DN Việt, TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của DN còn thấp, năng lực tài chính hạn chế, công nghệ sản xuất chủ yếu là những công nghệ thấp, lạc hậu… Bên cạnh đó, nhiều DN chưa chủ động trong việc thực hiện đầy đủ cam kết quy định trong các hiệp định thương mại tự do, nhất là những quy định mới để tận dụng cơ hội tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…

20240626_145429.jpg
Diễn đàn kinh doanh “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho DN” do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức chiều 26/6. Ảnh: D.T

Cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp

TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, nền kinh tế Việt Nam có nhiều lợi thế để nắm bắt cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, với quy mô dân số hơn 100 triệu người, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng và là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc tham gia vào một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là quyết tâm lớn của Việt Nam phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện nay là đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, do đó, đây là “điểm cộng” để gia tăng thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam…, từ đó các DN trong nước có thêm cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa đặc biệt của nhiều xu hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, khi nhiều tập đoàn, DN lớn trên thế giới đã, đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và tiềm năng.

“Đây chính là cơ hội lớn cho nền kinh tế và các DN Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành một mắt xích trong những chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Phòng nhấn mạnh.

Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có một số DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn.

Trong bối cảnh đó, TS. Lê Duy Bình cho rằng, để có thể gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các DN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để các DN mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, từ đó họ có thể tiếp cận sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đơn cử, để đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, thời gian giao hàng…, rõ ràng các DN cần được sự hỗ trợ bởi các quy định pháp luật thuận lợi về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, về kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu và các thủ tục hành chính có liên quan.

Chia sẻ thêm khuyến nghị, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, Nhà nước đã có Quỹ hỗ trợ tín dụng dành cho các DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ nhưng quy mô tín dụng của Quỹ chưa lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN còn gặp không ít khó khăn. Do đó, hoạt động của Quỹ cần đổi mới để hỗ trợ DN tham gia chuỗi hiệu quả hơn; nguồn lực cần đủ “ra tấm ra món” để đáp ứng nhu cầu về vốn cho DN đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng điều kiện của các nhà sản xuất lớn thì mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp Việt