Nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi đơn vị được kiểm toán

(BKTO) - Nhìn nhận rõ những giá trị, lợi ích của hoạt động kiểm toán đối với hoạt động của đơn vị, ông Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, cũng như vì sự phát triển của mỗi cơ quan, thì mỗi cơ quan, đơn vị cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tự giác, tự nguyện tuân thủ và chấp hành các quy định của pháp luật, nhằm hạn chế thấp nhất các sai sót…

5-ong-nguyen-quang-hiep-vien-truong-vien-vat-lieu-xay-dung.jpg
Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Nguyễn Quang Hiệp

Thưa ông, qua kiểm toán chuyên đề về khoa học công nghệ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra tình trạng đề tài khoa học chậm nghiệm thu hoặc không được ứng dụng… Xin ông cho biết về tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước tại đơn vị hiện nay?

Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) được Bộ Xây dựng giao thực hiện các nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ các doanh nghiệp. Các đề tài nghiên cứu của Viện VLXD chủ yếu phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực VLXD; phát triển công nghệ, sản phẩm VLXD hướng đến cải tiến tính năng, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Các kết quả nghiên cứu của Viện VLXD giúp Bộ Xây dựng thực hiện công tác quản lý nhà nước về VLXD, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD. Một số nhiệm vụ Viện đã thực hiện trong năm 2023 như: Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về viên xây, kính xây dựng, tro bay, xác định phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy trình, thử nghiệm dán nhãn năng lượng cho VLXD… Về nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD, Viện đã thực hiện các đề tài nghiên cứu tái chế phế thải công nghiệp để sản xuất gốm sứ, xi măng, vật liệu chịu lửa; nghiên cứu chế tạo vật liệu mới thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thay thế hàng hóa VLXD nhập khẩu; vật liệu cho công trình biển đảo; nghiên cứu phát triển vật liệu mới.

Các nhiệm vụ được xét duyệt kỹ đề cương, kết quả của đề tài được Hội đồng tư vấn xem xét kỹ lưỡng và đều rất hữu ích cho phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới. Điển hình như năm 2023, Viện đã tích cực phối hợp với một số đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy sản xuất thép để nghiên cứu xử lý các loại phế thải như: tro, xỉ, thạch cao phospho, thạch cao FGD, xỉ thép... để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Kết quả của nghiên cứu được các doanh nghiệp áp dụng vào thực tế sản xuất, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, cũng như xử lý các vấn đề môi trường.

Viện cũng rất sát sao trong việc kiểm soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN. Ngay khi ký hợp đồng thực hiện, Viện đã lên kế hoạch giám sát, định kỳ kiểm tra (thường mỗi quý 1 lần) công tác triển khai nghiên cứu theo kế hoạch; đồng thời giải quyết ngay những vướng mắc, phát sinh trong khi triển khai. Vì thế, Viện không có đề tài nghiên cứu quá hạn. Điều này cũng đã được Đoàn kiểm toán ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2023, các nhiệm vụ Viện VLXD thực hiện đều được nộp và được Hội đồng KHCN của Bộ tổ chức nghiệm thu trong Quý I/2024 theo đúng quy định.

Lâu nay, dư luận rất quan tâm đến câu chuyện về tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Vậy, với các đề tài nghiên cứu của Viện VLXD thì tỷ lệ ứng dụng sau nghiên cứu là bao nhiêu, thưa ông?

Các đề tài nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước đều góp phần quan trọng vào công tác quản lý ngành ở cấp Trung ương và địa phương, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử các VLXD…). Các đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm hầu hết đề tài đóng góp quan trọng vào thực tiễn phát triển công nghệ sản xuất VLXD.

Đơn cử như, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sử dụng tro bay thay thế đất sét trong sản xuất clanhke xi măng thực hiện từ năm 2018-2020, đã tạo tiền đề cơ sở KHCN cho các nhà máy sản xuất clanhke xi măng sử dụng rộng rãi tro bay làm nguyên liệu sản xuất clanhke xi măng. Hay nghiên cứu sử dụng xỉ thép làm nguyên liệu thay thế quặng sắt trong sản xuất clanhke xi măng thực hiện từ năm 2021-2022 đã được ứng dụng rộng rãi. Các nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện và thạch cao làm VLXD đã giải quyết các nhiệm vụ theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng…

Có thể nói, các kết quả nghiên cứu KHCN, các công nghệ sản phẩm mới thông thường ban đầu ở dạng mô hình, sản phẩm thử nghiệm có vai trò đặt nền móng cho việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Vì vậy, ban đầu có thể chưa có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến lợi nhuận ngắn hạn. Các sản phẩm công nghệ mới như vậy cần có độ trễ thời gian để các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết đến công nghệ và cân nhắc đầu tư dây chuyền thiết bị để ứng dụng. Do đó, việc đánh giá hiệu quả, tính ứng dụng sản phẩm mới, công nghệ mới cần xem xét tổng thể cả về mặt nâng cao nhận thức phổ biến và làm chủ công nghệ, sau đó là đầu tư công nghệ thiết bị để sản xuất sản phẩm cụ thể. Đây cũng là vấn đề từng được các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ trao đổi, thông tin với Đoàn kiểm toán để Đoàn có thêm góc nhìn, từ đó đưa ra đánh giá phù hợp.

Từ góc độ là đơn vị được kiểm toán, ông đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan KTNN, cũng như những giá trị, lợi ích của hoạt động kiểm toán nhà nước đối với hoạt động của Viện?

Chúng tôi cảm nhận rất rõ những lợi ích từ hoạt động kiểm toán của KTNN. Sau mỗi lần kiểm toán, Viện rút ra được nhiều kinh nghiệm. Bởi trên thực tế, nhiều khi các lỗi xảy ra không phải do cố tình mà quen cách làm cũ, hoặc chưa kịp cập nhật đầy đủ văn bản mới. Khi KTNN thực hiện kiểm toán và chỉ ra, giúp đơn vị nhìn nhận thấu đáo hơn. Đặc biệt, Đoàn kiểm toán thường đọc hồ sơ rất kỹ và phát hiện được các lỗi sai sót mà có thể do người thực hiện chưa xem xét kỹ nên bỏ sót. Điều này có tác dụng rất tốt, giúp giảm bớt các sai sót tương tự.

Từ những vấn đề được KTNN chỉ ra, Viện VLXD đã họp và chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc có liên quan đến các nội dung được kiểm toán để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, hoạt động. Đồng thời, Viện VLXD đã chỉ đạo thực hiện ngay các nội dung kiến nghị của KTNN như: Xây dựng phương án trích lập nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; hoàn thiện phương án xử lý tài sản hình thành của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; thực hiện kiểm kê tài sản và đang phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ để hoàn thành các thủ tục xử lý các tài sản này; chấn chỉnh việc đối chiếu công nợ, thực hiện đối chiếu công nợ đầy đủ kịp thời; tổ chức ngay lớp đào tạo về nghiệp vụ đấu thầu, cập nhật các quy định pháp luật mới về đấu thầu…

Từ thực tiễn của Viện, tôi nghĩ rằng, cùng với sự vào cuộc, đồng hành của KTNN, thì điều quan trọng là mỗi cơ quan, đơn vị sau khi được kiểm toán cần thực hiện nghiêm túc các kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, điều hành; chủ động tìm hiểu, cập nhật các quy định mới; tự giác tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhằm hạn chế thấp nhất các sai sót trong quá trình tác nghiệp. Sự tự giác tuân thủ tốt quy định pháp luật sẽ giúp giảm tần suất kiểm tra, giảm bớt áp lực cho cơ quan kiểm tra, kiểm toán, nhất là trong bối cảnh biên chế ngày càng hạn hẹp, khối lượng công việc ngày càng lớn. Sự tự giác suy cho cùng cũng là cách để chúng ta giảm chi phí giám sát sự tuân thủ, nâng cao năng suất lao động cho toàn xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi đơn vị được kiểm toán