Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế tại Quảng Ninh còn bất cập

(BKTO) - Theo đánh giá của Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong giai đoạn 2017-2021, công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được quan tâm, chú trọng, nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

6.jpg
KTNN chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý, BVMT đối với các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh tư liệu

Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế được thành lập

Theo Quy hoạch phát triển các KCN, KKT đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch thành lập, phát triển 20 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 388.671ha và phân bố trên 11/13 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh. Trong đó, 1 KKT ven biển Vân Đồn và 1 KKT cửa khẩu Móng Cái đang hoạt động; 1 KKT ven biển Quảng Yên đã thành lập, nhưng chưa có quy hoạch chung được duyệt, chưa rà soát tổng thể; 2 KKT cửa khẩu Hoàng Mô - Đồng Văn và Bắc Phong Sinh đã được phê duyệt thành lập, nhưng chưa đi vào hoạt động; 3 KCN nằm trong KKT và 3 KCN nằm ngoài KKT đang hoạt động.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, trong giai đoạn 2017-2021, công tác quản lý, BVMT đối với các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhìn chung đã được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch... về công tác BVMT, tài nguyên nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở trong việc quản lý, BVMT được thực hiện hằng năm với nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ đã phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định về BVMT. Các kế hoạch lấy mẫu, quan trắc định kỳ đối với môi trường xung quanh trên địa bàn, trong đó bao gồm các điểm trắc thuộc phạm vi các KCN, KKT đã được xây dựng và tổ chức triển khai hằng năm nhằm theo dõi diễn biến hiện trạng môi trường...

Ghi nhận của Đoàn kiểm toán cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tại các KCN, KKT do Ban Quản lý KKT Quảng Ninh quản lý có 191 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, 117 dự án trong nước, trong đó có loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan (sản xuất ván sợi, sản xuất pin, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử...).

Về cơ bản, các KCN đang hoạt động trên địa bàn đều đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Ninh và đáp ứng được về diện tích cây xanh theo quy định về BVMT, cũng như các quy định hiện hành. KTNN xác nhận, đến thời điểm 31/12/2021, tỉnh Quảng Ninh có 5 KKT (KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và KKT Vân Đồn), trong đó có 2/5 KKT đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung của KKT. Còn KKT cửa khẩu Móng Cái được phê duyệt Quy hoạch chung lần đầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 18/9/2015, qua đó sẽ xây dựng 6 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 64.000 m3/ngày đêm, xây dựng hệ thống thu gom tách riêng nước thải đưa về các trạm xử lý. Quy hoạch được điều chỉnh tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 với việc bổ sung thêm các trạm xử lý (nâng lên 9 trạm với tổng công suất là 66.000 m3/ngày đêm). KKT cửa khẩu Móng Cái đã được đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn; một số lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và 2 hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 12.000 m3/ngày đêm (phía Đông Ka Long: công suất 8.000 m3/ngày đêm; phía Tây Ka Long: công suất 4.000 m3/ngày đêm). Tại KKT này cũng đang xây dựng hệ thống công trình BVMT theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trách nhiệm của đơn vị tham mưu chưa trọn vẹn

Khi đánh giá trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, KTNN nêu rõ, giai đoạn 2017-2021, các Sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành các Nghị quyết, chương trình, văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... liên quan đến công tác quản lý, BVMT tại các KCN, KTT. Về cơ bản, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, rà soát, tham gia ý kiến xây dựng các văn bản theo quy định tại Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Bộ chuyên ngành và phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế do công tác ban hành văn bản chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời, phù hợp. Trong đó, UBND tỉnh chưa ban hành 1 văn bản; Ban Quản lý KKT Quảng Ninh chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời 3 văn bản, chưa ban hành 1 văn bản; UBND huyện nằm trong KKT chưa ban hành 1 văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác BVMT trong KCN, KKT tại địa phương.

Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, UBND các huyện trong KKT trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình, Kế hoạch đã ban hành dẫn đến giảm hiệu quả của việc theo dõi, giám sát công tác BVMT của địa phương và mục tiêu của Chương trình, Kế hoạch đã ban hành.

Đáng chú ý, đến thời điểm kiểm toán, Luật BVMT 2020 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 nhưng UBND tỉnh chưa ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được giao. Chưa hết, Quyết định số 1256/2017/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Quảng Ninh với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về quản lý nhà nước tại các KCN, KKT, KKT cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đến thời điểm kiểm toán đã không còn phù hợp với Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; Điều 51 Luật BVMT 2020; Thông tư số 12/2020/TT-BKHĐT… Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ BVMT tại địa phương chưa được Ban Quản lý KKT, UBND các huyện trong KKT thực hiện theo Chương trình hành động, Kế hoạch mà UBND tỉnh đã ban hành.

Các tồn tại trên xuất phát từ việc chưa kịp thời tham mưu và chưa quan tâm đúng mức của UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nằm trong KKT đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các văn bản pháp luật, cũng như công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ BVMT đối với các KCN, KKT trên địa bàn. Việc UBND tỉnh chưa chỉ đạo, thực hiện rà soát các quy định không còn phù hợp Luật BVMT 2020 dẫn đến các văn bản về quản lý, giám sát môi trường của địa phương không còn phù hợp, không được cập nhật theo quy định.

Trách nhiệm dẫn đến những tồn tại nêu trên được KTNN chỉ rõ thuộc về UBND tỉnh và Ban Quản lý KKT, Sở TNMT, UBND các huyện nằm trong KKT trên địa bàn - các đơn vị tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo KTNN, trong giai đoạn 2017-2021, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh không được ủy quyền trong công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường và xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Theo đó, Sở TNMT là đơn vị tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, xác nhận Kế hoạch BVMT; còn địa phương thực hiện xác nhận Kế hoạch BVMT theo thẩm quyền đối với các dự án trong KCN, KKT trong giai đoạn 2017-2021.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra nội dung về BVMT trong KCN, KKT, Sở TNMT là đơn vị chủ trì, thực hiện công tác thanh tra trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra do Sở TNMT thực hiện đều có văn bản thông báo, phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để cùng thực hiện giám sát và phối hợp. Ban Quản lý KKT hiện nay không có chức năng thanh tra, do đó đơn vị chỉ thực hiện công tác phối hợp thanh tra và chủ trì kiểm tra trong công tác BVMT tại các KCN và KKT trên địa bàn./.

Cùng chuyên mục
Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế tại Quảng Ninh còn bất cập