Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

(BKTO) - Việt Nam có tiềm năng vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” để có thể đạt được mục tiêu này.

chuoi-gia-tri.jpg
Việt Nam có tiềm năng vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa

Cấp thiết cải thiện công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo

Trong báo cáo “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao", Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Xuất khẩu tăng trưởng ngoại mục ở mức bình quân 12,7% mỗi năm, lên đến gần 100% GDP vào năm 2023.

Khi Việt Nam hội nhập sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), giỏ hàng xuất khẩu của quốc gia dịch dần chuyển từ hàng nông sản và thương phẩm thô trong thập kỷ 1990, đến các mặt hàng công nghiệp nhẹ sử dụng công nghệ thấp trong thập kỷ 2000, sang các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao ngày càng tiên tiến trong thập kỷ qua. Đến nay, lĩnh vực xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp khoảng một nửa GDP của quốc gia - báo cáo của WB cho biết. 

Với nền tảng thành công sẵn có, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu đó, WB cho rằng, thu nhập hiện nay của Việt Nam cần tăng gấp ba, nghĩa là phải duy trì tăng trưởng GDP bình quân theo đầu người ở mức khoảng 6% mỗi năm trong hai mươi năm tới.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện nay của Việt Nam - động lực cho thành công trước đây (vẫn chủ yếu dựa vào gia công khâu cuối thâm dụng lao động nhưng đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp) - không đủ để đem lại tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cần thiết để đạt mục tiêu đó.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đem lại giá trị gia tăng cao hơn, bằng cách cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Ngược lại, nếu Việt Nam không thể chuyển đổi như thế, quốc gia phải đối mặt với rủi ro thực tế là tăng trưởng sẽ giảm tốc sớm, có khả năng cản trở tiến trình kinh tế và tạo ra nguy cơ dễ tổn thương với cạnh tranh trên toàn cầu.

Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài.

Bà Manuela V. Ferro- Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu, vượt qua những hạn chế mới phát sinh trong nước và giảm nhẹ rủi ro trên toàn cầu, WB đưa ra một số khuyến nghị sau:

Việt Nam cần tập trung khai thác những hiệp định thương mại nhằm giảm đáng kể rào cản phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ và hội nhập sâu trong khu vực. Bằng cách phối hợp với các đối tác quốc tế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại, Việt Nam có thể chủ động theo hướng tăng cường chiều sâu các cam kết xoay quanh những nghị trình lớn như thương mại số, hài hòa quy chuẩn, mua bán điện, và năng lực kết nối

Việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và các thành phần còn lại trong nền kinh tế sẽ đem lại tác động rất tích cực về tăng trưởng năng suất, đồng thời khiến các chuỗi cung ứng được ăn sâu, bén rễ vào nền kinh tế trong nước.

Mô hình xuất khẩu trước đây của Việt Nam chủ yếu tập trung vào gia công lắp ráp ở khâu cuối. Mục tiêu của giai đoạn tiếp theo là nắm bắt các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm cả dịch vụ. Qua thúc đẩy "dịch vụ hóa" mạnh mẽ hơn nữa, Việt Nam có thể nâng cao vị thế bằng cách vừa chuyển sang các nhiệm vụ và sản phẩm tiên tiến hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) vừa nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi lao động.

Các ngành dịch vụ của Việt Nam đang phải đối mặt với những rào cản thương mại và đầu tư lớn. Những rào cản đó không chỉ cản trở sự gia nhập của các tổ chức dịch vụ nước ngoài mà còn làm giảm áp lực cạnh tranh cho các tổ chức trong nước, trong đó các doanh nghiệp nhà nước chi phối trong các lĩnh vực dịch vụ chủ chốt như năng lượng, tài chính và viễn thông. Vì vậy, chính sách ban hành cần hợp lý hóa các quy định về lưu chuyển dữ liệu qua biên giới, tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, loại bỏ rào cản thương mại dịch vụ và mở cửa cho các ngành dịch vụ chính trong nước tham gia cạnh tranh nhiều hơn.

Thành công trước đây của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là nhờ nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào có kỹ năng cơ bản. Tương lai sẽ phụ thuộc vào nguồn cung đầy đủ lao động có kỹ năng cao. Hiện đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu về lao động có kỹ năng cao hơn đang ngày càng tăng trong các các lĩnh vực chế tạo. Công nghệ, nhất là tự động hóa, đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi về nhu cầu lao động như vậy.

Để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, Việt Nam cần vươn lên trong nấc thang về giáo dục và kỹ năng. Các chiến lược nhằm đẩy mạnh nâng cao kỹ năng và phát triển lực lượng lao động nên ưu tiên tăng đầu tư vào giáo dục đại học, bao gồm hình thành nguồn đầu vào mạnh gồm các kỹ sư và nhân sự khoa học, cải thiện về sự phù hợp về kỹ năng với thị trường cho sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học, xúc tiến nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Tăng trưởng xuất khẩu và chế tạo chế biến trước đây được tiếp sức bằng các loại năng lượng thâm thải carbon ngày càng nhiều. Trong thời gian tới, trọng tâm là phải chuyển dịch sang nền sản xuất hướng đến sạch hơn và giảm thải carbon nhiều hơn, không chỉ nhằm góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam mà còn để duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, với xu thế chuyển dịch nhanh chóng sang các sản phẩm và dịch vụ giảm thải carbon.

Các chính sách đảm bảo cung ứng năng lượng sạch và thúc đẩy xuất khẩu xanh nên tập trung tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư cho hạ tầng điện xanh, hạ thấp các biện pháp phi thuế quan cho hàng hóa môi trường và định giá carbon. Điều cần làm nữa là tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng, doanh nghiệp và người lao động với các cú sốc khí hậu./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu