Thi đua sản xuất, làm giàu và giảm nghèo bền vững
Thông tin tại Hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết: Trong năm 2023 - 2024, Hội Nông dân Thành phố đã kết nạp được 19.175 hội viên, nâng tổng số hội viên của thành phố là 447.449 hội viên. Công tác xây dựng, quản lý quỹ Hội tiếp tục triển khai hiệu quả. Tổng nguồn quỹ Hội đến nay đạt hơn 74 tỷ đồng.
Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, từ năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 526.199 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có 326.110 lượt hộ đạt tiêu chuẩn, chiếm 62% so với số hội viên đăng ký. Duy trì 206 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, nhằm tạo diễn đàn cho nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, thành lập và ra mắt “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp thành phố; chỉ đạo thành lập và ra mắt Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện tại Quốc Oai, Ba Vì, Ứng Hòa, Thạch Thất... Các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ năng thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến cho hơn 251.700 lượt cán bộ, hội viên nông dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 53.800 lượt cán bộ, hội viên, nông dân...
Nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô, mà còn hướng tới thị trường toàn cầu.Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Vận động, hướng dẫn thành lập mới được 792 tổ hợp tác với hơn 6.680 thành viên và 59 hợp tác xã với hơn 1.060 thành viên; hướng dẫn thành lập được 27 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, nhân cấy nghề cho hơn 12.200 hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp.
Hội đã ký kết, triển khai thỏa thuận hợp tác với Bưu điện thành phố (năm 2022), VNPT thành phố (năm 2023), tổ chức đưa 1.871 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Duy trì và thành lập mới các điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn với 67 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân.
Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới;
Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn có những thay đổi vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được đảm bảo. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân còn hạn chế; hoạt động của Hội Nông dân các cấp chưa phát huy hết được tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân; các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyện vọng của nông dân...
Triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân
Tổng hợp kiến nghị của nông dân Thủ đô, Ban Thường vụ Hội Nông dân cho biết đã nhận được 68 câu hỏi, ý kiến, kiến nghị, đề xuất; qua tổng hợp, còn 35 ý kiến, kiến nghị thuộc 6 nhóm vấn đề liên quan đến chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách về đất đai; cơ chế, chính sách về môi trường, an toàn thực phẩm; cơ chế hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác; hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân…
Theo đó, liên quan đến đến cơ chế, chính sách của Thành phố trong việc thúc đẩy liên kết 6 nhà “Nhà nước, nông dân, nhà khoa học; doanh nghiệp; ngân hàng; nhà phân phối”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thông tin, mời các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản của các địa phương.
Đồng thời, rà soát danh mục sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương, sản phẩm mùa vụ cần kết nối vào các kênh phân phối để cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân làm việc trực tiếp đến bộ phận thu mua của các kênh phân phối để gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn vào hàng của các kênh phân phối để kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.
Đối với chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại các chợ truyền thống, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết: UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội giai đoạn đến năm 2025.
Nguồn kinh phí triển khai việc phát triển các Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2025, được huy động từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định; nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác.
Thành phố Hà Nội đã công nhận 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, trong năm 2024 đang khảo sát và hướng dẫn lập hồ sơ tại 6 điểm. Năm 2025 UBND Thành phố tiếp tục hướng dẫn, công nhận thêm 5 - 8 mô hình Trung tâm Thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn Thành phố.
Về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại thông tin, sau khi cơn bão số 3 gaya thiệt hại lớn, Thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân như: hỗ trợ thêm cho cây vụ đông với hơn 213 tỷ đồng, qua đó diện tích cây vụ đông đã tăng hơn 4000ha giúp nông dân bù đắp thiệt hại; hỗ trợ một số vật nuôi đặc thù với kinh phí 46 tỷ đồng…
Hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do vướng các quy định. Tuy nhiên Luật Thủ đô mới được thông qua đã có rất nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển nông nghiệp cao hơn so với quy định của trung ương, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Liên quan đến triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, Thành phố đã ban hành Danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung tại Quyết định số 4537/QĐ-UBND ngày 11/9/2023. Hiện nay, Danh mục đang được rà soát và đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của các vùng/khu sản xuất chuyên canh tập trung.
Đối với chính sách đặc thù hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: Để việc triển khai chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hội nông dân một cách tổng thể, Hội Nông dân cần chủ trì xây dựng Đề án trong đó đánh giá hiện trạng, sự cần thiết và đề ra một số nội dung chính bao gồm: mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện báo cáo UBND xem xét, quyết định.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Định hướng của Thành phố đến năm 2030, nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí. Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Nông dân phải biết “thổi hồn” vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề. Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu “made in Hanoi”. Nông dân cần thực hiện sản xuất sạch, giảm thiểu phát thải môi trường.
Thành phố sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, làm tốt công tác quy hoạch và hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch, không để cung vượt cầu. Các cấp Hội nông dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để hỗ trợ nông dân.
Đến năm 2030, hội viên nông dân phải được hưởng đầy đủ bảo hiểm y tế và người nông dân có quyền nghỉ hưu như công nhân, thay vì phải lao động đến cuối đời như trước đây. Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân và các cấp hội vươn lên. Nhà nước sẽ đóng vai trò như "bà đỡ," nhưng sự chủ động và trách nhiệm nằm ở chính người nông dân. Do đó, mỗi nông dân, mỗi làng nghề cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị.