Sáng 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước - chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: Xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025; phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025.
Không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát
Phát biểu kết luận, Thủ tướng trước hết nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình đồng chí, nghĩa đồng bào cao cả, mang tính toàn dân, toàn diện, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo phong trào, xu thế, tổ chức như ngày hội, như chiến dịch, làm việc với tất cả tâm đức vì người nghèo, người có công với cách mạng để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Đài Truyền hình Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan đã chuẩn bị chu đáo, thực hiện tốt Chương trình truyền hình trực tiếp phát động xoá nhà tạm, nhà dột nát đầu tháng 10 vừa qua; đã huy động được gần 6.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, nhiều chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã được ban hành và triển khai hiệu quả, gần đây nhất là Nghị quyết 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030.
Kết luận số 97-KL/TW của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh Phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" trong năm 2025.
Về mục tiêu, quan điểm, định hướng, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: Hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung huy động nguồn lực xã hội hoá kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định rõ quan điểm hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Phải quán triệt phương châm: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", coi trọng thời gian để bảo đảm kịp thời, coi trọng trí tuệ với sự thông minh, linh hoạt trong triển khai, coi trọng sự quyết tâm, quyết liệt.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau 80 năm thành lập nước, chúng ta còn nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như trải qua 40 năm chiến tranh, 30 năm cấm vận, nhưng đến nay thu nhập bình quân đầu người đã hơn 4.300 USD, quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 500 tỷ USD, không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát.
Nâng mức hỗ trợ ngay từ ngày hôm nay
Về một số vấn đề xin ý kiến Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo tới cấp xã do bí thư cấp ủy đứng đầu, hoàn thành trước 30/11/2024, họp Ban Chỉ đạo hằng tháng để rà soát, kiểm tra, đôn đốc công việc.
Về phân nhóm các địa phương và phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo - chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam rà soát, hoàn thiện Phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ vận động được từ Chương trình phát động xoá nhà tạm, nhà dột nát và nguồn lực hiện có của Quỹ Vì người nghèo để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu, lưu ý bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí.
Về phương châm, trách nhiệm của địa phương trong việc huy động hỗ trợ, giải quyết số hộ phát sinh, Thủ tướng chỉ rõ đây là trách nhiệm của địa phương, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương.
Về một số vấn đề cụ thể liên quan tới đất đai, kinh phí, nhân công, nguyên vật liệu, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, địa phương tổ chức thực hiện sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định, đặc biệt là cấp xã; bám dân, bám cơ sở, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã.
Về đất đai, nguyên tắc là không có tranh chấp và công việc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; đa dạng hóa nguồn lực, nhân công (gồm cả lực lượng quân đội, công an), kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, dòng họ… và sử dụng hiệu quả nhất.
Thủ tướng thống nhất từ ngày hôm nay, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng); cùng với ngân sách nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hoá.
Về phân công nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH thực hiện vai trò điều phối, nắm tình hình, tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc về thủ tục.
Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hoá, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, địa phương điều chỉnh phù hợp.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, bố trí, hướng dẫn về ngân sách nhà nước; yêu cầu việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách nhà nước, kinh phí hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, xóa cơ chế "xin-cho", chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Ủy ban Dân tộc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bảo đảm hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025"; thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực…/.