Ảnh minh họa. Nguồn:chinhphu.vn |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo NHNN, ngày 30/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định 130).
Những năm qua, Quyết định 130 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ tiền Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 17 năm thi hành, một số quy định tại Quyết định 130 không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Do đó, việc xây dựng, ban hành Dự thảo Nghị định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam là cần thiết, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của cơ quan công an, quân đội, hải quan và NHNN trong triển khai thực hiện công tác này.
Đồng thời, việc xây dựng Nghị định còn nhằm khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.
Ban soạn thảo cho biết, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp, xử lý hình ảnh và internet, việc làm tiền giả dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Tiền giả không chỉ được sản xuất ở nước ngoài mà gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện tiền giả được sản xuất tại một số địa phương như: Đăk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định...
Trong những năm qua, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã phát hiện, triệt phá hàng nghìn vụ liên quan đến tiền giả, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Cơ quan chức năng và hệ thống ngân hàng đã thu giữ hàng chục tỷ đồng tiền giả.
Do thủ đoạn của tội phạm tiền giả ngày càng tinh vi nên Ban soạn thảo cho rằng cần bổ sung trách nhiệm của các lực lượng khác thuộc quân đội (không chỉ riêng lực lượng bộ đội biên phòng như quy định tại Quyết định 130 hiện nay) và tăng cường công tác phối hợp, kịp thời trao đổi thông tin về tiền giả giữa các cơ quan chức năng.
Thực tế cho thấy, tiền Việt Nam không chỉ bị làm giả mà còn bị sử dụng trái quy định, không đúng mục đích. Thị trường đã xuất hiện "tiền giấy đồ chơi" là các ấn phẩm có in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên giấy cứng hoặc nhựa được mua bán công khai với tính chất là đồ chơi. Một số đối tượng sử dụng tiền âm phủ in hình ảnh đồng tiền Việt Nam, có kích thước tương đương tiền thật để trà trộn trong giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa…
Để ngăn chặn và làm cơ sở xử lý các hành vi này, Dự thảo Nghị định đưa các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện sao chụp tiền Việt Nam (Điều 180) như: Việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp dùng để viết báo, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về đồng tiền Việt Nam.
Ngoài ra, việc sao chụp phải đảm bảo đồng thời đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: Sao, chụp không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền.
Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá.
Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá.
Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá…/.
Dự thảo Nghị định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam gồm 6 chương, 28 điều với nội dung cơ bản: Chương I - Quy định chung; Chương II - Quy định về phòng, chống tiền giả; Chương III - Hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật; Chương IV - Quản lý sao, chụp tiền Việt Nam; Chương V - Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam và Chương VI - Điều khoản thi hành. |
THÀNH ĐỨC