Ngăn chặn việc “cài cắm” lợi ích riêng trong văn bản pháp luật

(BKTO) - Trong tháng 02/2018, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ, cơ quan trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Kết quả cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc đơn giản hóa thủ tục KTCN chưa đạt yêu cầu về tiến độ; nhiều thủ tục không cần thiết vẫn chưa được loại bỏ, gây khó khăn, tốn kém cho người dân, DN.



Có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu

Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, công tác KTCN đã có những chuyển biến tích cực, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc cắt giảm thủ tục liên quan đến KTCN chưa được các Bộ quyết liệt triển khai thực hiện. Do đó, tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra. Tính chung từ ngày 01/01/2017 đến 28/02/2018, có tổng số 25.385 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 13.311 nhiệm vụ đã hoàn thành (11.148 nhiệm vụ đúng hạn, 2.163 nhiệm vụ quá hạn); 12.074 nhiệm vụ chưa hoàn thành (11.765 nhiệm vụ trong hạn và 309 nhiệm vụ quá hạn).

Bất cập nổi lên là các Bộ chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với danh mục hàng hóa phải KTCN đang bị chồng chéo (gồm Bộ: Y tế, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Duy nhất có Bộ Công Thương đi đầu với việc cắt giảm 402/702 thủ tục KTCN. Bên cạnh đó, tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá chưa được khắc phục triệt để. Chi phí của thủ tục KTCN vẫn là gánh nặng lớn đối với DN...

Kết quả kiểm tra về điều kiện kinh doanh cho thấy, hiện nay, có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện. Tính trung bình, có hơn 14 yêu cầu, điều kiện áp dụng với mỗi ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Trong đó, không ít ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Bên cạnh đó, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh còn quy định chung chung, không rõ ràng, khó xác định. Một số điều kiện cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất, gây bất lợi cho DN vừa và nhỏ…

Sửa đổi phải thực chất,tránh “bình mới, rượu cũ”

Trên cơ sở kết quả làm việc với các Bộ, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ, không hợp lý về KTCN và những điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục KTCN…, báo cáo Chính phủ trong quý II/2018.

Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng phương án cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN; bảo đảm việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, tránh sửa đổi theo kiểu thay đổi tên gọi nhưng thực chất là “bình mới, rượu cũ”.

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ công tác - nhận xét: Hầu hết các Bộ, ngành mới dừng ở mức tuyên bố xóa bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Dù vậy, ông Thiên cũng bày tỏ sự kỳ vọng và lạc quan vào kết quả sắp tới.

Thời gian qua, tinh thần chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy quyết tâm đổi mới, cải cách mạnh mẽ, triệt để nền hành chính công. Trong đó, lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn xã hội cần được đặt lên hàng đầu, chứ không phải lợi ích riêng của một Bộ, ngành nào đó, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp: “Không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà vì lợi ích riêng của đơn vị, ngành hay một nhóm người nào đó”.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và sự vào cuộc đầy quyết tâm của các Bộ, ngành, trong đó có KTNN, thời gian qua, công tác xây dựng văn bản pháp luật, cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, năm 2016 và 2017, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ tổng cộng 206 văn bản quy phạm pháp luật nhằm bịt lỗ hổng chính sách, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Sức “nóng” cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đang được Chính phủ “thổi” đến toàn bộ nền hành chính công. Những chỉ đạo quyết liệt góp phần khẳng định thông điệp của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ với hàm ý: Đã hết thời Bộ, ngành “cài cắm” lợi ích riêng trong văn bản pháp luật!

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 08-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Già hóa dân số thách thức chính sách bảo hiểm xã hội
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) còn hạn chế, hơn 70% số người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống... Đây là những thách thách thức đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội Việt Nam phải có những cải cách, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu của già hóa dân số.
  • Hồi Sinh
    6 năm trước Xã hội
  • Đừng để Tết cổ truyền bị cuốn trôi trong dòng chảy của thời công nghệ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cụm từ được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ vừa qua. Tác động của cuộc cách mạng này đối với Tết cổ truyền được chuyên gia văn hóa, GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ với Đặc san Kiểm toán nhân dịp Xuân mới.
  • Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02: Ngành y và quyết tâm đổi mới
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với những thành tựu nổi bật của nền y học nước nhà được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thời gian qua, quyết tâm đổi mới toàn diện của ngành y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã và đang từng bước tạo dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc nhân dân.
  • Chấn chỉnh hoạt động lễ hội: Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với quyết tâm chấn chỉnh, lập lại trật tự trong tổ chức lễ hội, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thực chất để đưa lễ hội trở về đúng với những giá trị tốt đẹp trước đây.
Ngăn chặn việc “cài cắm” lợi ích riêng trong văn bản pháp luật