Già hóa dân số thách thức chính sách bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) còn hạn chế, hơn 70% số người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống... Đây là những thách thách thức đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội Việt Nam phải có những cải cách, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu của già hóa dân số.



Hệ thống hưu trí đối mặt với nhiều thách thức

Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm BHXH bền vững trong bối cảnh già hóa dân số” do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 06/3, ông Nguyễn Khang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (BHXH Việt Nam) - cho biết, đứng trước bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh, hệ thống hưu trí của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.

Đó là tính tuân thủ tham gia BHXH thấp (khu vực phi chính thức), số người hưởng lương hưu hằng tháng thấp. Đáng chú ý là tỷ lệ hưởng cao (tối đa 75%) và dài (trung bình 24,1 năm) trong khi tuổi nghỉ hưu sớm (trung bình 55,5 tuổi đối với nam và 52,6 tuổi đối với nữ), tuổi thọ của người nghỉ hưu tăng cao (78,8 tuổi). Mặt khác, do giá trị tuyệt đối của tiền lương hưu thấp, mức đóng và thời gian đóng ít nên một số trường hợp lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.

Về đóng BHXH, mặc dù mức đóng tương đối cao nhưng số tiền tuyệt đối đóng vào Quỹ không cao do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ chiếm khoảng 60% thu nhập thực tế của người lao động (khu vực ngoài nhà nước). Đặc biệt, Quỹ BHXH đang đứng trước tình trạng đe dọa mất cân đối thu - chi trong tương lai gần do mất cân bằng đóng - hưởng.

Bên cạnh đó, hệ thống hưu trí Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng năng lực quản lý Quỹ và đầu tư còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp. Quy chế hoạt động đầu tư khá cứng nhắc, chặt chẽ, tập trung vào các lĩnh vực cho thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ, cho vay.

Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Đến năm 2030, tất cả người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH của Nhà nước sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Để thực hiện các mục tiêu trên, Việt Nam đang tập trung đồng bộ một số giải pháp cơ bản, trong đó hướng đến phát triển hệ thống BHXH đa tầng (lương hưu xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH bổ sung, BHXH tự nguyện); mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là người lao động khu vực phi chính thức và lao động nữ; đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực dự báo, năng lực đầu tư quỹ, điều chỉnh chính sách đảm bảo cân đối Quỹ BHXH dài hạn và bền vững…

Điều chỉnh, thực hiện hiệu quảcác chính sách

Bàn thảo về vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng, già hóa dân số không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà đó là thách thức và mối quan tâm chung của toàn cầu. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước để tiếp tục nghiên cứu xây dựng và điều chỉnh chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là xây dựng chính sách hưu trí hiệu quả.

Ông Julian Adams - Giám đốc quan hệ Chính phủ và pháp chế, Tập đoàn Prudential - cho rằng, cùng với già hoá, dân số Việt Nam có sự di cư từ nông thôn ra thành thị tăng, đòi hỏi phải có giải pháp giúp các gia đình ổn định cuộc sống. Do đó, một trong những giải pháp chính mà Việt Nam cần quan tâm là phải tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ với các DN và người dân. Đây chính là ba trụ cột rất quan trọng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu và thách thức của già hóa dân số.

Nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với hệ thống hưu trí Việt Nam hiện nay là độ bao phủ, tuổi nghỉ hưu sớm, việc cung ứng dịch vụ và tính bền vững của Quỹ Hưu trí…, ông Josef Pilger - chuyên gia dịch vụ hưu trí toàn cầu EY - cho rằng, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả của hệ thống hưu trí. “Hiệu quả của chính sách hưu trí không phải là việc viết ra chính sách mà phải đảm bảo để người dân có thể hiểu được chính sách, nắm được thông điệp mà chúng ta đưa ra để tiết kiệm nhiều hơn cho hưu trí”- ông Josef Pilger chia sẻ.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc cung cấp đa dạng các gói dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với mức thu nhập của người dân. Đồng thời, cần có các chế tài để nâng cao trách nhiệm và sự tham gia của giới chủ sử dụng lao động trong thực hiện chính sách BHXH; đảm bảo việc chi trả đầy đủ, kịp thời của các quỹ về an sinh xã hội…

Quan tâm đến vấn đề quản lý và đầu tư Quỹ Hưu trí, ông Ngô Thế Triệu - Giám đốc Công ty quản lý Quỹ Eastspring Investment - đề xuất, Việt Nam cần tính đến việc cho phép Quỹ Hưu trí đầu tư tài sản nước ngoài với một tỷ lệ phù hợp (30-35%) nhằm đảm bảo có được các sản phẩm đầu tư sinh lời hiệu quả và đa dạng hóa được danh mục tài sản, giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, cần gia tăng tính đa dạng của các sản phẩm đầu tư có thu nhập cố định cùng với nỗ lực gia tăng cơ sở nhà đầu tư…

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 08-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Hồi Sinh
    6 năm trước Xã hội
  • Đừng để Tết cổ truyền bị cuốn trôi trong dòng chảy của thời công nghệ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cụm từ được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ vừa qua. Tác động của cuộc cách mạng này đối với Tết cổ truyền được chuyên gia văn hóa, GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ với Đặc san Kiểm toán nhân dịp Xuân mới.
  • Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02: Ngành y và quyết tâm đổi mới
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với những thành tựu nổi bật của nền y học nước nhà được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thời gian qua, quyết tâm đổi mới toàn diện của ngành y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã và đang từng bước tạo dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc nhân dân.
  • Chấn chỉnh hoạt động lễ hội: Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với quyết tâm chấn chỉnh, lập lại trật tự trong tổ chức lễ hội, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thực chất để đưa lễ hội trở về đúng với những giá trị tốt đẹp trước đây.
  • Danh nhân tuổi Tuất và những sự kiện  lịch sử trong năm Tuất
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, người tuổi Tuất (cầm tinh con chó) thường thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, tài hoa, gặp nhiều may mắn và thành đạt. Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ lịch sử dân tộc Việt Nam, có nhiều người sinh năm Tuất. Nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc cũng gắn liền với năm Tuất.
Già hóa dân số thách thức chính sách bảo hiểm xã hội