Nhiều ngân hàng từng“lỡ hẹn” lên sàn
Đầu năm 2017, khoảng 10 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng kết thúc năm, chỉ có 5 ngân hàng hoàn thành mục tiêu. Trong đó, 4 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn UPCOM (Sàn giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết) gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quốc tế, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và 1 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết chính thức là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
Chủ trương thúc đẩy các ngân hàng lên sàn chứng khoán nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động đã được Chính phủ đưa ra từ cách đây vài năm. Cụ thể hóa chủ trương này, năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Theo đó, trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (01/01/2016), các công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM.
Cũng trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản nhắc nhở chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đôn đốc các ngân hàng TMCP đặt trụ sở chính trên địa bàn hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Gần nhất là tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cam kết: Để người dân và nhà đầu tư có thể giám sát, nắm rõ tình hình tài chính của các ngân hàng, NHNN sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, công bố Báo cáo tài chính định kỳ có kiểm toán.
Bên cạnh đó, qua kiểm toán Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, KTNN cũng đã kiến nghị NHNN chỉ đạo một số TCTD thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo phương án đã đề ra.
Lẽ ra, thực hiện chỉ đạo và kiến nghị trên, các ngân hàng đều phải hoàn thành kế hoạch chào sàn từ lâu. Thế nhưng, đến thời điểm này, mới chỉ có 16 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong tổng số trên 30 ngân hàng của toàn hệ thống. Dù kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã nhiều lần được đưa ra nhưng đến thời điểm này, một số ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện.
Đơn cử, năm 2017, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã có Tờ trình lên sàn HOSE (Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM), tuy nhiên, kết thúc năm, nhiệm vụ này đã không thể hoàn tất. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018 mới đây, Hội đồng quản trị Techcombank tiếp tục có Tờ trình về vấn đề này, thế nhưng, kế hoạch vẫn chưa rõ ràng, cụ thể và đảm bảo tính khả thi.
Cùng với Techcombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Hàng hải… cũng từng ráo riết chuẩn bị kế hoạch chào sàn song đến nay, kế hoạch này vẫn bị trì hoãn vì nhiều lý do.
Chậm lên sàn vì đâu?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng trên trước hết xuất phát từ chính các ngân hàng. Một mặt, các ngân hàng phải tính toán thời điểm chào sàn để cổ phiếu được bán với giá cao. Mặt khác, việc lên sàn đòi hỏi Báo cáo tài chính của các ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực, được kiểm toán và minh bạch về thông tin.
Đồng thời, ngân hàng phải tuân thủ nghiêm những quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng chưa thể đáp ứng yêu cầu này, thậm chí vẫn đang ngổn ngang với việc xử lý nợ xấu, sở hữu chéo… Điều này khiến các ngân hàng còn quan ngại, chậm trễ trong việc lên sàn.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn, mức phạt hành chính cao nhất là 400 triệu đồng cho việc chậm trễ niêm yết quá 1 năm chưa đủ sức răn đe đối với những ngân hàng có vốn hàng nghìn tỷ. Còn TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn Cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cho rằng, việc giám sát, đôn đốc thực hiện chưa nghiêm minh khiến các ngân hàng nhiều lần trì hoãn lên sàn.
Theo dự báo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2020, các nhà băng phải tăng vốn tự có từ 1,8 - 2 lần mới có thể đáp ứng được quy định của Basel II (Hiệp ước vốn do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập). Rõ ràng, nhu cầu cũng như áp lực tăng vốn của các ngân hàng rất lớn.
Do vậy, việc lên sàn sẽ giúp ngân hàng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội để tăng vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, khi lên sàn, các ngân hàng sẽ phải chịu sự giám sát từ cơ quan quản lý, nhà đầu tư và cả các ngân hàng khác. Điều này góp phần giảm rủi ro hệ thống, tạo ra một thị trường tài chính minh bạch, hoạt động hiệu quả, giúp hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, bền vững hơn.
Lợi ích của việc lên sàn đã rõ. Các ngân hàng đã đặt ra kế hoạch lên sàn ngay từ đầu năm nay. Song, để những kế hoạch không còn nằm trên giấy, nhiều chuyên gia khuyến nghị, điều quan trọng là phải thực hiện nghiêm minh các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần hạch toán theo chuẩn mực của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, cơ quan quản lý có thể công khai các ngân hàng chậm niêm yết, nâng mức xử phạt hành chính lên cao hơn để đủ sức răn đe.
THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 15-3-2018