Ngân hàng mở: Nhiều tiện ích nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý để phát triển

(BKTO) - Ngân hàng mở là xu thế tất yếu, mang lại nhiều tiện ích cho cả nhà băng và khách hàng. Tuy nhiên hiện nay, mô hình kinh doanh mới này vẫn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để phát triển.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

   

Mô hình kinh doanh mới nhiều tiện ích

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng.

Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API (giao tiếp lập trình ứng dụng mở) và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ nhờ việc khuyến khích các ngân hàng và các bên thứ ba kết nối với nhau thông qua các Open API của ngân hàng.

Việc triển khai ngân hàng mở giúp các nhà băng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, tối ưu các giải pháp kinh doanh và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng. Nền tảng Open Banking đã góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống như: Thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…

Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng của khách hàng một cách chính xác. Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

Chính bởi những lợi ích thiết thực trên mà việc phát triển ngân hàng mở đã trở thành xu thế của nhiều nhà băng trên thế giới. Năm 2021, đã có 1.573 ngân hàng cung cấp nền tảng ngân hàng mở (tăng 175% so với năm trước) với 5.133 APIs.

Tại Việt Nam, hiện đã có rất nhiều ngân hàng đang ứng dụng ngân hàng mở trong hoạt động của mình. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần (VietinBank) đã xác định lộ trình triển khai ngân hàng mở từ năm 2017. Đến nay, 148 dịch vụ của 116 đối tác đã được cung cấp trên ứng dụng VietinBank iConnect và trung bình mỗi tháng có hơn 12 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này.

Hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thúc đẩy và hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng ngân hàng mở (BIDV Paygate) kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán. Điều này cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, viễn thông, mua vé máy bay, vé xem phim, học phí, viện phí, nộp thuế và các dịch vụ công không dùng tiền mặt…

Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) với dịch vụ kết nối thanh toán qua API mở cho phép DN truy vấn, theo dõi sự thay đổi số dư tài khoản, trạng thái của giao dịch chuyển tiền đi và các thông tin khác theo nhu cầu.

Cần hành lang pháp lý đầy đủ

Như vậy, có thể thấy, ngân hàng mở giúp ngân hàng đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận các đối tượng khách hàng khác nhau với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có quy định, hướng dẫn riêng và đầy đủ về ngân hàng mở.

Khi xây dựng, triển khai ngân hàng mở, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang chủ yếu dựa vào Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có các điều khoản cho phép ngân hàng được hợp tác với bên thứ ba cung cấp dịch vụ tài chính và các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành quy định về ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo mật thông tin khách hàng…

Những nội dung trên đã ít nhiều quy định các khía cạnh khác nhau liên quan tới ngân hàng mở nhưng vẫn chưa đảm bảo đầy đủ, cụ thể để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức tín dụng triển khai mô hình kinh doanh này.

Đại diện các nhà băng chia sẻ, thách thức lớn nhất trong việc triển khai ngân hàng mở là chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…) cũng như tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối…

Cùng với đó, hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới còn chưa ổn định; thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa nhưng còn thiếu. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa được ban hành.

Để giúp các ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc trên, từng bước áp dụng hiệu quả ngân hàng mở, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV Trần Phương cho rằng, bên cạnh sự chủ động và tích cực của các ngân hàng thương mại trong quá trình chuyển đổi số nói chung và phát triển ngân hàng mở nói riêng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, Open Banking là lĩnh vực hoàn toàn mới, trong đó, khâu then chốt là Open API. Là phương thức kỹ thuật để các bên giao tiếp, API cần có các hướng dẫn cụ thể, không có Open API thì sẽ không có Open Banking.

Do đó, để làm được Open Banking, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị, Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu chủ đề này và có những đề xuất cụ thể về các loại hình dịch vụ ngân hàng mở, các dịch vụ có thể được chia sẻ, bên thứ ba tham gia và lộ trình triển khai.

Phó Thống đốc cũng cho biết, NHNN sẽ ban hành Thông tư về Open API với phần quy định riêng cho lĩnh vực thanh toán nhưng đồng thời sẽ có những quy định chung để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dịch vụ khác trong tương lai./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
  • Ngày 19/3, số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục giảm mạnh còn 150.618 ca
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 18/3 đến 16h ngày 19/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca ghi nhận trong nước (giảm 12.559 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 99.644 ca trong cộng đồng).
  • Xét chọn hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng tin cậy năm 2022
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và các hoạt động nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình khảo sát Hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng tin cậy năm 2022.
  • Tự chủ đại học: Nơi tuyển không hết, nơi mỏi mòn chiêu sinh
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thực hiện tự chủ được coi là hướng "cởi trói" cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện đổi mới, bứt phá về mọi mặt, trong đó có công tác tuyển sinh. Trong bối cảnh các trường ngày càng được chủ động kế hoạch tuyển sinh, việc tồn tại tình trạng người học dồn về một số trường, ngành học “hot”, trong khi một số trường, ngành học khác khó tuyển sinh là điều khó tránh khỏi, song cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
  • Việt Nam tích cực hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2022
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho biết, toàn bộ 63 tỉnh, thành của Việt Nam sẽ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ - từ 20h30 đến 21h30 tối 26/3/2022.
  • Infographic - Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2022
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng mở: Nhiều tiện ích nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý để phát triển