Cán bộ y tế khử trùng tại chợ đường phố ở thủ đô Nairobi, Kenya - Nguồn: AP. |
Cuộc suy thoái đầu tiên trong 25 năm
Theo báo cáo "Tiến tới một sự phục hồi xanh của châu Phi" của Ủy ban Kinh tế về châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA) mới được công bố, châu Phi đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong 25 năm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Báo cáo nhấn mạnh đến chiến lược phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 của châu Phi. Theo báo cáo, châu Phi đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên trong 25 năm, khi đại dịch COVID-19 khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thiệt hại ước tính 99 tỷ USD.
Báo cáo cho rằng đại dịch COVID-19 cùng với những tác động của biến đổi khí hậu đến GDP sẽ gây ra mức thiệt hại hàng năm khoảng 3-5% GDP vào năm 2030 theo kịch bản hoạt động kinh tế diễn ra bình thường.
Báo cáo hối thúc nỗ lực to lớn của châu Phi trong việc hiện thực hóa Các mục tiêu phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu được đề ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển được đề ra trong Chương trình nghị sự phát triển 50 năm đến năm 2063 của châu lục này.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành UNECA, Vera Songwe, để giảm bớt rủi ro đối với người dân và các cộng đồng sau các thảm họa và các cú sốc trong tương lai, châu Phi sẽ cần nhiều năng lượng. Vấn đề của châu Phi là cần thay thế nhiên liệu hóa thạch chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường bằng các loại năng lượng sạch hơn và rẻ hơn.
Ông Songwe nhấn mạnh, với tác động của đại dịch COVID-19 và sự suy giảm kinh tế sau đó cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc châu Phi chú trọng đến phục hồi kinh tế càng quan trọng hơn.
Theo Thư ký chấp hành UNECA, châu Phi cần nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ tài chính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và kích thích tài khóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) trong báo cáo gần đây có tiêu đề "Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến sự phát triển kinh tế của châu Phi" dự báo đại dịch COVID-19 sẽ khiến các nền kinh tế trong khu vực giảm khoảng 1,4%, với các nền kinh tế nhỏ có nguy cơ giảm tới 7,8%.
Ngân hàng thế giới tài trợ khẩn cấp vắc- xin COVID-19
Hiện nay, chỉ một số ít các chính phủ châu Phi đã phát động các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, trong khi một số quốc gia giàu có trên thế giới đã tiêm hàng triệu liều. Chính vì thế, Ngân hàng Thế giới đang chuẩn bị tài trợ khẩn cấp để giúp khoảng 30 quốc gia châu Phi tiếp cận vắc-xin COVID-19.
Nhiều thông tin cho thấy chương trình chia sẻ vắc xin của Tổ chức Y tế Thế giới COVAX, đã cung cấp những liều đầu tiên vào tuần trước đến Ghana.
Ngân hàng Thế giới cho biết các dự án tài trợ đang được chuẩn bị ở các nước châu Phi bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Niger, Mozambique, Tunisia, eSwatini, Rwanda và Senegal, mà không tiết lộ số tiền hỗ trợ.
“Các quỹ hiện có sẵn và đối với hầu hết các quốc gia châu Phi, khoản tài trợ trên sẽ dưới hình thức tài trợ hoặc các điều khoản ưu đãi cao,” một phát ngôn viên của ngân hàng cho biết.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận tài trợ 5 triệu đô la từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế để cung cấp vắc xin cho Cape Verde.
Theo báo cáo, số ca tử vong do COVID - 19 ở châu Phi gần đây đã vượt qua con số 100.000, tuy con số này thấp hơn nhiều so với các châu lục khác, nhưng lại đang có xu hướng tăng nhanh khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh bùng phát.
Các quốc gia châu Phi đã bắt đầu tiêm phòng bao gồm Nam Phi, Zimbabwe, Senegal, Maroc và Ai Cập.
Tuần trước, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Phi cho biết khối lục địa này đang ủng hộ lời kêu gọi các nhà sản xuất thuốc từ bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin để đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin tới các nước nghèo hơn.