Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tiếp tục duy trì lãi suất âm

(BKTO) - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cam kết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, lãi suất 10 năm ở mức 0%. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh lạm phát và tỷ lệ doanh nghiệp phá sản của Nhật Bản đang tăng mạnh.

boj-the-wall-street-journal.jpg
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản 

Duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất

Ngày 23/1, BOJ tuyên bố duy trì lãi suất âm trong một động thái đã được dự đoán trước.

BOJ đã giữ nguyên các chính sách quan trọng và giảm dự báo lạm phát cho năm tài chính tiếp theo trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng và các nỗ lực phục hồi đang được thực hiện sau trận động đất kinh hoàng vào ngày đầu năm mới.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ giữ nguyên nội dung tuyên bố với các từ ngữ thiên về xu hướng ôn hòa, cam kết sẽ định hướng lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất 10 năm ở mức 0%, đồng thời duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để cho phép lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên khoảng 1,0%.

BOJ cam kết sẽ "không ngần ngại thực hiện bổ sung các biện pháp nếu cần thiết," đồng thời nói thêm rằng sẽ tiếp tục chính sách YCC "miễn là cần thiết để duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 2% một cách ổn định."

BOJ dự kiến giá tiêu dùng lõi, ngoại trừ thực phẩm tươi sống dễ biến động, sẽ tăng 2,4% trong năm tài chính 2024 bắt đầu từ tháng 4/2024, giảm so với mức 2,8% dự kiến trước đó.

Tuy nhiên, BOJ đã nâng dự báo giá tiêu dùng của năm tài chính 2025 và nhận định khả năng đạt được lạm phát ổn định ở mức 2% tiếp tục tăng dần. Ngân hàng trung ương này tin rằng tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ sẽ thúc đẩy khả năng đạt được mục tiêu lạm phát ổn định.

Trong báo cáo triển vọng, BOJ cho biết: “Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) cơ bản có thể sẽ tăng dần để đạt được mục tiêu ổn định giá cả.”

BOJ xác nhận sẽ căn cứ mọi diễn biến trong tương lai dựa trên dữ liệu kinh tế, bao gồm cả các cuộc đàm phán tiền lương hằng năm tại Nhật Bản trong năm nay.

Mức tăng lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm

nhat-ban-lam-phat-reuters.jpg
Nhật Bản ghi nhận mức tăng CPI cao nhất trong hơn 40 năm

Trước đó, ngày 19/1, Chính phủ Nhật Bản cho biết CPI ở nước này năm 2023 tăng 3,1% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, do chi phí thực phẩm tăng và đồng yen yếu hơn khiến hàng nhập khẩu đắt hơn.

CPI ở Nhật Bản trong tháng 12 vừa qua tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Chỉ số này thấp hơn mức 2,5% trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 21 liên tiếp.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, phí khách sạn tăng 59% trong tháng 12, trong khi hóa đơn tiền điện giảm 20,5%.

Số liệu lạm phát mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương trước cuộc đàm phán mùa Xuân hằng năm giữa chủ sử dụng lao động và liên đoàn lao động.

Mức lương thực tế trung bình ở Nhật Bản - được điều chỉnh theo lạm phát - trong tháng 11 vừa qua đã giảm tháng thứ 20 liên tiếp, cho thấy lạm phát tiếp tục phủ bóng lên hiệu quả của việc tăng lương.

Cũng trong một báo cáo ngày 22/1, Chính phủ Nhật Bản dự tính thâm hụt ngân sách chính quốc gia có thể sẽ là 1.100 tỷ yen (7,6 tỷ USD) trong tài khóa 2025. Mặc dù mức thâm hụt này thấp hơn mức 1.300 tỷ yen được ước tính trước đó nhưng con số này vẫn cho thấy Nhật Bản sẽ bỏ lỡ mục tiêu đạt thặng dư trong năm 2025.

Tình hình tài chính của Nhật Bản được đánh giá đang ở mức thấp nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, với tổng số nợ gấp đôi quy mô nền kinh tế.

Gần 8.700 doanh nghiệp phá sản trong năm 2023

pha-san.jpg
Số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản năm 2023 cao nhất trong vòng 4 năm qua - Ảnh minh họa

Theo kết quả khảo sát mà cơ quan nghiên cứu Tokyo Shoko Research công bố ngày 15/1, số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản trong năm 2023 đã tăng 35,2% so với năm liền kề trước đó, lên 8.690 doanh nghiệp - mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Nguyên nhân chủ yếu là giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cùng với việc các doanh nghiệp thực hiện chính sách tăng lương cho người lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp phá sản phải gánh khoản nợ ít nhất 10 triệu yen (68 triệu USD), chủ yếu là do phải trang trải chi phí vật liệu và lao động.

Trong số đó, có những doanh nghiệp trước đó đã phải chịu áp lực từ việc phải thanh toán các khoản vay theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tokyo Shoko Research cho biết tất cả 10 danh mục ngành nghề được khảo sát đều cho thấy sự gia tăng số doanh nghiệp phá sản trong năm thứ hai liên tiếp. Lĩnh vực dịch vụ ghi nhận con số cao nhất với 2.940 trường hợp, tăng 41,7%.

Tiếp đến là ngành xây dựng với 1.693 trường hợp, tăng 41,8%. Chi phí nhân công tăng do thiếu hụt lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, cùng giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao đã giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp.

Tổng nợ các doanh nghiệp phải trả cũng tăng 3,1% lên 2.400 tỷ yen, đứng đầu là Panasonic Liquid Crystal Display - công ty con của tập điện tử nổi tiếng Panasonic. Tháng 9/2023, công ty này đã nộp đơn xin giải thể với khoản nợ lên tới 583,6 tỷ yen.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tiếp tục duy trì lãi suất âm