Ngăn “xài chùa” để phát triển công nghiệp âm nhạc

(BKTO) - Ngành công nghiệp âm nhạc - lĩnh vực chủ đạo trong phát triển kinh tế văn hóa với doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm cần sớm khắc phục tình trạng “xài chùa”, vi phạm tác quyền, cũng như tạo thuận lợi cho các đơn vị trong tiếp cận sản phẩm âm nhạc...

viec-quy-tu-nhieu-nghe-si-n.jpg
Ngăn vi phạm bản quyền, song cần đơn giản hóa quy trình thủ tục trong cấp phép, tránh làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp khi tiếp cận tác phẩm âm nhạc. Ảnh ST

Thói quen “xài chùa” còn phổ biến

Những năm qua, mặc dù nhận thức về tác quyền âm nhạc đã được nâng cao; các tổ chức, cá nhân cũng có ý thức hơn trong việc thực hiện bản quyền về âm nhạc, song những ồn ào, vi phạm liên quan tới bản quyền trong lĩnh vực này vẫn xuất hiện với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp…

Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế, tổ chức đại diện cho hơn 8.000 công ty thu âm toàn cầu, ngành âm nhạc thế giới đã đạt tăng trưởng năm thứ 10 liên tiếp, với tổng doanh thu 29,6 tỷ USD. 

Tại Việt Nam, thị trường âm nhạc đang phát triển rất nhanh, tốc độ doanh thu tăng khoảng 30-40% hàng năm; riêng năm 2024 đạt khoảng 90 triệu USD, chưa kể các nguồn thu hỗ trợ do ngành công nghiệp này mang lại.

Trong đó, doanh thu từ nghe nhạc trực tuyến đạt gần 40 triệu USD; dự báo, thị trường âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam sẽ đạt doanh thu lên đến 66,37 triệu USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, vấn đề vi phạm bản quyền khiến cho lĩnh vực này chưa thể bứt phá.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, trong năm 2024, VCPMC đã thu trên 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 14,2% so với năm 2023.

Mặc dù tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thu được trong năm 2024, song lĩnh vực này vẫn còn tồn đọng khá nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả, thậm chí có một số đơn vị còn phản ứng thiếu tích cực, vi phạm kéo dài, cố ý hiểu lệch lạc về quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm; lợi dụng cơ chế, công cụ của nền tảng để né tránh trả tiền bản quyền.

Mặt khác, do sự phát triển của công nghệ với nhiều nền tảng giúp dễ dàng tiếp cận thông tin, sản phẩm âm nhạc, cũng như ý thức của một bộ phận người nghe nhạc quen “xài chùa”, vô hình “tiếp tay” cho tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc.

Các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho rằng, tình trạng “xài chùa” trong sử dụng tác phẩm âm nhạc kéo dài sẽ khiến các nghệ sĩ mất đi động lực sáng tạo, ngay cả người dùng cũng sẽ bị tác động tiêu cực một cách vô hình.

luat-ban-quyen.jpg
Ngăn “xài chùa” để phát triển công nghiệp âm nhạc. Ảnh ST

Đây cũng là vấn đề được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đặt ra và kiến nghị xử lý, song cơ quan chức năng chưa thể có giải pháp hiệu quả.

Ông Phạm Minh Toàn - Tổng Giám đốc Vietfest cho rằng, trong lĩnh vực âm nhạc, cần phải hướng đến kinh doanh được để giúp nhà sản xuất và nghệ sĩ kiếm được tiền. Tuy nhiên, các hoạt động âm nhạc đang làm miễn phí nhiều, chưa có thói quen bán vé vì một số lí do như phát triển du lịch, truyền thông…

“Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đối với ngành công nghiệp sáng tạo như âm nhạc đều được Nhà nước bảo hộ, trong đó đó có việc ghi nhận quyền tác giả, cũng như tính phí tương xứng đối với người dùng đối với mỗi lần sử dụng hoặc trọn gói” - ông Toàn cho biết thêm. Đây là giải pháp gợi mở đối với ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Ngăn vi phạm, cần tránh gây khó cho doanh nghiệp

Trên cơ sở nhận diện rõ những rào cản, thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, các chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm tác quyền; bên cạnh đó cần tránh gây khó cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác tác quyền của tác phẩm âm nhạc…

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.

“Các sự kiện âm nhạc còn mang lại lợi ích kinh tế, tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều ngành nghề như du lịch, quảng cáo, ẩm thực, sản phẩm quà tặng, truyền thông. Vi phạm bản quyền đang kéo lùi nỗ lực phát triển ngành công nghiệp âm nhạc" - ông Hoàng cho biết thêm.

Song “làm thế nào để ngăn chặn vi phạm tác quyền mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực này, đó là thách thức không dễ hóa giải” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trăn trở.

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ và doanh nghiệp trong ngành âm nhạc. Các hệ thống quản lý tác quyền và bản quyền âm nhạc giúp đảm bảo rằng nghệ sĩ nhận được thu nhập xứng đáng từ các tác phẩm của mình. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tạo ra một môi trường công bằng cho các nghệ sĩ và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp âm nhạc. 

Ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Cho rằng vấn đề tác quyền đang gặp vướng cả từ quy định lẫn nhận thức của các chủ thể có liên quan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi nhận định, hiện nay, có khá nhiều bất cập trong quản lý tác phẩm và quyền sở hữu: một số tác phẩm là tài sản nhà nước, gây khó cho người có nhu cầu sử dụng do không biết tiếp cận ai để xin phép; một số nhạc sĩ thì chưa hiểu rõ về bản quyền, ký hợp đồng chồng chéo với nhiều nơi…

Trong khi đó, đại diện nhiều đơn vị tổ chức sự kiện lĩnh vực âm nhạc cũng cho biết, bản thân đơn vị rất tôn trọng quyền tác quyền, song thực tế khi tiếp cận, giải quyết vấn đề này còn gặp vướng mắc nhất định.

“Ngoài kêu gọi hợp tác để xây dựng một môi trường âm nhạc lành mạnh, chúng tôi cũng mong có bảng giá bản quyền minh bạch, hệ thống dữ liệu công khai về tác phẩm và đơn vị bảo hộ để mọi người dễ tiếp cận, tham chiếu…” - đại diện một đơn vị phát triển âm nhạc cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo sự công bằng đối với những người sáng tạo nội dung, chủ sở hữu quyền, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nội dung này. Đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cảnh báo họ không nên mua quảng cáo ở các website/mạng xã hội vi phạm bản quyền.

Liên quan đến vấn đề tác quyền, đại diện Cục Bản quyền tác giả cho rằng, trong bối cảnh công nghệ số phát triển, các chủ thể quyền cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả; cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

“Hiện đơn vị đang xây dựng một phần mềm và cơ sở dữ liệu trực tuyến để lưu trữ và xác nhận tác phẩm có bản quyền, tác giả rõ ràng. Cục cũng đang kêu gọi các đơn vị liên quan, đặc biệt là các nền tảng online cùng đổ dữ liệu về một hệ thống chung, nhằm đảm bảo tính minh bạch và quản lý thống nhất” - ông Trần Hoàng cho hay. 

Cùng chuyên mục
Ngăn “xài chùa” để phát triển công nghiệp âm nhạc