Ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

(BKTO) - Trong những tháng đầu năm 2021, bên cạnh việc chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam còn nỗ lực hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao.



Đảm bảo quyền lợi của người tham gia trong điều kiện dịch bệnh

Diễn biến phức tạp, khó lường của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN và đời sống của người lao động (NLĐ), nhất là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Theo ước tính, đến ngày 25/5/2021, tại tỉnh Bắc Giang có khoảng 625 DN với 263.627 NLĐ tham gia BHXH và tỉnh Bắc Ninh có khoảng 125 DN với 17.982 NLĐ tham gia BHXH bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Như vậy, trung bình mỗi đơn vị có khoảng 30% số NLĐ phải nghỉ việc do nằm trong khu vực bị cách ly, phong tỏa. Cùng với đó, số lượng lớn công nhân là F1 phải cách ly tập trung và F2 cách ly tại nhà. Nhiều DN thuộc ngành nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở mầm non tư thục phải cho 100% NLĐ nghỉ việc, nên không có doanh thu...

Trước tình hình này, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH tỉnh báo cáo, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị sử dụng lao động phối hợp với cơ quan BHXH giải quyết chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, BHXH các tỉnh cũng phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN theo quy định; hướng dẫn các đơn vị, DN đẩy mạnh giao dịch điện tử, gửi thông báo, trao đổi với đơn vị, DN thông qua thư điện tử, điện thoại…; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
                
   

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành BHXH vẫn nỗ lực bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT - Ảnh: nhandan.com.vn

   

Toàn ngành BHXH cũng nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia. Kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, như: tổ chức kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối đa 3 tháng); xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người bệnh; thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo thuận lợi cho người tham gia BHYT và an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
         
Đến hết tháng 5/2021, cả nước có khoảng 16,468 triệu người tham gia BHXH, chiếm 33,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó gồm:15,211 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,256 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; khoảng 13,505 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và khoảng 87,416 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,56% dân số).
   Trong tháng 5, toàn Ngành đã giải quyết 5.814 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 116.745 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó 109.886 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); giải quyết 793.833 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Đồng thời, giải quyết cho 56.885 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; 12,620 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú.

Phát huy tối đa hiệu quả nền tảng công nghệ thông tin

Trong những tháng đầu năm, trên cơ sở kế hoạch Chính phủ giao năm 2021, BHXH Việt Nam cũng đã rà soát, phân bổ kế hoạch thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, dư địa cũng như tiềm năng của từng địa phương. Đồng thời, hướng dẫn BHXH các tỉnh tổ chức ký hợp đồng đại lý thu BHXH, BHYT và triển khai chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với hệ thống Viettel; tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT; đôn đốc thu, giảm nợ; tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với DN nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT...

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 (100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4) và cung cấp thêm các DVC trên Cổng DVC quốc gia.

Cùng với đó, Ngành cũng tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và các phần mềm nghiệp vụ; hoàn thiện, bổ sung các tiện ích mới trên ứng dụng VssID; cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT... Qua đó, đã phát huy tối đa hiệu quả của nền tảng CNTT, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp thông qua giao dịch điện tử.

Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tình hình triển khai thí điểm sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại các cơ sở y tế, BHXH Việt Nam đề xuất triển khai sử dụng ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh BHYT từ ngày 1/6/2021, góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

KIM AN
Cùng chuyên mục
Ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu kép