![]() |
Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới |
Chương trình GDPT được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Chương trình GDPT mới được đại diện Bộ GD&ĐT đề cập, đó là chương trình GDPT mới sẽ giảm tải chương trình học cho học sinh cũng như gia tăng lượng kiến thời, thời gian thực hành.
Tổng chủ biên chương trình GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay, ở chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục. Qua đó góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Đặc biệt, để kịp thời bắt nhịp với chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường, giáo viên và sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương trong cả việc hoàn thiện cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
![]() |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị |
Trước ý kiến của nhiều đơn vị về tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi thực hiện dạy tích hợp môn theo chương trình GDPT mới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, mặc dù là tích hợp nhưng so với chương trình hiện hành không bỏ môn nào nên không lo ngại tình trạng thừa giáo viên.
Tại hội nghị, các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề khó khăn khi triển khai như: dạy tích hợp liên môn, tuyển giáo viên làm sao để phù hợp, thực hiện tự chủ nhà trường, mua sắm trang thiết bị để không gây lãng phí… Qua đó mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có những văn bản hướng dẫn thực hiện để chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2020-2021. Các năm tiếp theo sẽ triển khai lần lượt với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022... Cụ thể, lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. |