Dự báo tăng trưởng tương đối tích cực
Theo các chuyên gia nghiên cứu của Vietnam Report, thị trường đã có sự thích ứng với những chính sách điều tiết cứng rắn để phát triển lành mạnh; những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ bắt đầu cho thấy hiệu quả khiến ngành ngân hàng đạt được những kết quả lạc quan hơn.
Tổng thu nhập hoạt động ngân hàng trong quý I/2024 tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong khi quý IV/2023 giảm gần 3,3%. Điểm tích cực nằm ở mức lợi nhuận sau thuế đã tăng 10,2% so với cùng kỳ và tăng 7,9% so với quý trước. Để có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trong điều kiện lãi suất ổn định ở mức thấp, các ngân hàng cần có mức biên lãi ròng (NIM) đủ để chống đỡ khi lãi suất tiếp tục là công cụ để cạnh tranh nhằm tận dụng lợi thế chi phí vốn thấp hoặc nguồn vốn dồi dào.
Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn trong thời kỳ trước cũng có thể làm giảm áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến mức lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, mức lợi nhuận cao còn có thể đạt được khi ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng đạt được còn khá xa mục tiêu khi đến cuối tháng 5/2024, tín dụng chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng yếu đang làm tăng áp lực suy giảm chất lượng tài sản, nhất là khi những con số về nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ mức lãi suất 5,25-5,5% liên tục từ tháng 7/2023 và bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, trung bình lãi suất huy động tại các ngân hàng trong nước đang thấp hơn con số trên làm tăng áp lực tỷ giá, có thể tạo hiệu ứng bán ròng của khối ngoại…
Nhìn chung, dù thị trường có thể chưa hoàn toàn thuận lợi nhưng với mức nền thấp của năm 2023, ngành ngân hàng được dự báo vẫn sẽ có mức tăng trưởng tương đối tích cực.
Phát huy cơ hội nhờ lực đẩy từ chính sách
Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2024, bao gồm: Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam; Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số; Các bộ luật được sửa đổi gần đây; Những chính sách mới của NHNN; Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động.
Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam năm nay đứng đầu trong số những cơ hội cho sự tăng trưởng mà các ngân hàng lựa chọn với tỷ lệ 100%. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, vượt kịch bản đề ra và có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 từ 6-6,5%. Tỷ lệ bình chọn trên cũng cho thấy sự lạc quan hơn của các ngân hàng trước mức tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý đầu năm. Tiếp theo, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, internet banking và mobile banking đã liên kết mật thiết tới hoạt động của ngân hàng.
Trước những lo ngại về an toàn hệ thống, rủi ro an ninh mạng nổi cộm gần đây, ngân hàng có nền tảng công nghệ số được đầu tư bài bản, vận hành hiệu quả sẽ giúp ngân hàng hạn chế những sự cố không mong muốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh xấu trong mắt khách hàng.
Hai cơ hội tiếp theo đều liên quan tới những quy định, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động của ngành ngân hàng. Trong đó có Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh và đầu tư. Nhằm đảm bảo đánh giá sát tình hình nợ và có nguồn lực xử lý nợ xấu (nếu xảy ra), các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình (tối thiểu 50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024), có phần bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro. Tuy Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024 nhưng để có thêm thời gian giúp các doanh nghiệp trả nợ và các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ, NHNN đang đề xuất gia hạn đến hết năm 2024.
Cùng với đó, Văn bản số 10167/NHNN-CSTT về việc NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại triển khai các sáng kiến cho vay nhằm đẩy mạnh giải ngân. Đây là bước thay đổi quan trọng trong chính sách điều hành của NHNN khi những năm trước đây, room tín dụng được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị rồi xem xét nới room. Thay đổi trên cũng là cơ sở để các ngân hàng chủ động thiết lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và linh hoạt hơn.
Đồng thời, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết nhằm ổn định thị trường, duy trì hoạt động lành mạnh của toàn hệ thống, tránh thao túng thị trường và gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức/cá nhân đều bị giới hạn; cấp tín dụng cho một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có.
Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 tăng cường siết chặt quản lý hoạt động bancassurance - vốn đang gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin. Các ngân hàng phải thành lập công ty con, hoặc phải tạo ra liên kết, độc lập với hoạt động của ngân hàng thương mại, khi muốn kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm.
Nhìn chung, trên đà phục hồi kinh tế cùng với những cải cách đang thực hiện, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường, giải ngân tín dụng, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Song với những khó khăn vẫn đang phải đối mặt, ngành ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt hơn, tận dụng tốt hơn nền tảng tài chính, xây dựng hình ảnh thương hiệu, bồi đắp thêm niềm tin khách hàng, vươn mình khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường./.