Chính phủ cần rà soát kỹ về cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn

(BKTO) - Trong bối cảnh khả năng bố trí vốn của địa phương còn khó khăn, phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) chưa đủ hấp dẫn, Chính phủ cần rà soát kỹ về cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn, cũng như tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức PPP. Đây là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh khi thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

11.jpg
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (Ảnh: Đoạn qua huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: ST

Cần có giải pháp cụ thể hơn về nguồn vốn đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Việc đầu tư Dự án sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Quá trình tính toán cho thấy, đây là một dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt - khoảng 18 năm - các nhà đầu tư, các doanh nghiệp làm về đầu tư BOT thấy rất phù hợp. Đối với góc nhìn tài chính của các ngân hàng thì đây là một dự án các ngân hàng cũng rất đồng tình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đầu tư Dự án. Bởi theo đề xuất của Chính phủ, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) bố trí cho Dự án khoảng 2.233,5 tỷ đồng; trong khi hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Do vậy, việc cam kết bố trí vốn NSĐP như dự kiến sẽ rất khó khăn, cần phải có giải pháp cụ thể hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), phần vốn bố trí từ NSĐP cho Dự án là khá lớn. Với hai tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh như Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai, luôn đứng trong Top 5, Top 6 về GRDP cả nước, nhưng việc bố trí NSĐP cho đoạn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang khó khăn, chứ chưa nói đến tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng và Bình Phước là 1.233 tỷ đồng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, tính khả thi của việc này rất khó khăn, nếu không đảm bảo được sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án. Do đó, đại biểu đề xuất nên bố trí theo phương thức vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở đảm bảo yếu tố đầu tư công, tức là vai trò của Nhà nước phải dẫn dắt. “Hai địa phương này dù nói là cam kết nhưng tôi chưa biết sẽ cam kết bằng cách nào vì ngân sách tự cân đối còn chưa cân đối được” - đại biểu băn khoăn.

Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề xuất, ngoài việc dùng nguồn tăng thu tiết kiệm chi thường xuyên của năm 2022, có thể xem xét, cân nhắc việc sử dụng 1.500 tỷ đồng nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn của giai đoạn này đến năm 2025 để thực hiện Dự án. “Năm ngoái, Đắk Nông chỉ thu được 3.000 tỷ đồng, bây giờ trong 2 năm chuẩn bị 1.500 tỷ đồng là một vấn đề. Cho nên, nếu có thể được, chúng ta tăng nguồn ngân sách của trung ương và nghiên cứu để hỗ trợ, đảm bảo được cân đối nguồn ngân sách của tỉnh để phục vụ cho Dự án” - đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó: Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT); các dự án thành phần còn lại thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.

Đồng tình cao với phương án của Chính phủ, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) chỉ rõ, phần góp vốn của nhà đầu tư là khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% tổng mức đầu tư Dự án và 65% tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1. Đây là mô hình hợp tác mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và tư nhân, đồng thời đảm bảo được lợi ích của người dân. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông mời gọi góp vốn theo phương thức PPP đã phải hủy bỏ. Lý do là hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu chưa đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng huy động vốn tín dụng hoặc nhà đầu tư không tham gia dự án. Điều này cho thấy phương thức hợp tác để đầu tư các dự án này chưa đủ hấp dẫn.

Từ thực tế trên, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, khi mời gọi nhà đầu tư tham gia Dự án, phải tính đến hài hòa lợi ích cũng như chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên. Trong đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả. “Điều này rất quan trọng, bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công, lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, đồng thời không thực hiện được việc huy động xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông” - đại biểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, việc thực hiện phương thức đầu tư PPP phải lựa chọn rất kỹ lưỡng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án cho phép áp dụng các kinh tế đặc thù nên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh xảy ra những tiêu cực, có thể gây thiệt hại trước hết cho nhà đầu tư, dẫn đến không khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư PPP vào lĩnh vực này.

Băn khoăn về vấn đề tính doanh thu của Dự án, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề nghị, trong hợp đồng bắt buộc phải có một điều khoản về việc thu hẹp lại, rút ngắn lại thời gian thực hiện hợp đồng của dự án BOT, trong trường hợp nào đó sẽ phải rút ngắn lại thời gian thực hiện. Trước đây, khi chưa có Luật PPP, chúng ta cũng có những điều khoản đó và qua kiểm toán một số dự án đã được rút ngắn. Tuy nhiên, Luật PPP mới chưa đề cập đến tình huống này. “Trường hợp doanh thu dự báo của chúng ta quá lạc hậu so với doanh thu thực tế thì việc thu hồi, rút ngắn thời gian thực hiện dự án của hợp đồng PPP như thế nào? Tôi cho rằng việc này cần được đề cập để sau này có căn cứ để thực hiện” - đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất./.

Cùng chuyên mục
Chính phủ cần rà soát kỹ về cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn