Ngành thuế phấn đấu thu nội địa vượt 5,5% dự toán

(BKTO) - Năm 2023, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, kinh tế trong nước phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đến ngày 20/12, ngành thuế đã hoàn thành kế hoạch, đáng chú ý cả 3 khu vực sản xuất kinh doanh đều vượt dự toán. Ngành thuế phấn đấu số thu cả năm vượt 5,5% so với dự toán.

14-.jpg
Đến ngày 20/12/2023, 29/63 địa phương hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023. Ảnh: ST

Thu ngân sách ước đạt 105,5% dự toán

Theo Tổng cục Thuế, năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao… Trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, mức giảm thu diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trọng điểm, tạo sức ép rất lớn trong điều hành phát triển kinh tế xã hội cũng như thu ngân sách. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những quyết sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên công tác thuế năm 2023 đạt được những kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đến ngày 20/12/2023 đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, đạt 100,4% dự toán. Ước tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý năm 2023 vượt khoảng 5,5% dự toán. 47/64 cục thuế; 16/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm, có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, toàn ngành đã triển khai quyết liệt các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN với tổng số tiền trên 165.026 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, ngành thuế đã xác định công tác hoàn thuế là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt để DN có thêm nguồn vốn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến hết ngày 17/12, ngành thuế đã ban hành 17.751 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, tương ứng số tiền đã hoàn là 135.875 tỷ đồng.

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có khả năng cao hơn năm 2023. Đây là những yếu tố thuận lợi để ngành thuế hoàn thành dự toán thu NSNN, góp phần đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của Nhà nước.

Ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện 66.241 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra 628.288 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 61.583 tỷ đồng, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 16.136 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.137 tỷ đồng; giảm lỗ 43.309 tỷ đồng.

Trong năm 2023, ngành thuế cũng đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Số thuế kê khai thường xuyên của các DN và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn 10 tháng năm 2023 tăng 318 tỷ đồng so với bình quân 10 tháng năm 2022.

Tổng cục Thuế tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), hỗ trợ đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Đến nay, đã có 74 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Trong năm 2023, các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử 6.896 tỷ đồng...

Phấn đấu 63/63 cục thuế hoàn thành nhiệm vụ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có khả năng cao hơn năm 2023. Đây là những yếu tố thuận lợi để ngành thuế hoàn thành dự toán thu NSNN, góp phần đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, để hoàn thành dự toán NSNN năm 2024 với nhiệm vụ thu ngân sách là 1.700.988 tỷ đồng, trong đó số thu do cơ quan thuế quản lý là hơn 1,486 triệu tỷ đồng là nhiệm vụ nặng nề. 63/63 địa phương cần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024.

Cùng với đó, ngành thuế cần thực hiện tốt chương trình xây dựng chính sách, pháp luật về thuế, hoàn thiện quy trình quản lý thuế theo thông lệ quốc tế. Cơ quan thuế cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế như: Nghị định hướng dẫn về thuế tối thiểu toàn cầu; Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ.

Bên cạnh đó, ngành thuế cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu. Tiếp tục triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Chính phủ với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.

Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan thuế quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và hóa đơn trong lĩnh vực xăng dầu; nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả ứng dụng và xử lý rủi ro, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử. Toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra thuế, quản lý hoàn thuế, nợ thuế, chống thất thu ngân sách trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro về thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức thuế.../.

Cùng chuyên mục
Ngành thuế phấn đấu thu nội địa vượt 5,5% dự toán