Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp các câu hỏi về chuyển đổi số, qua đó, thấy rõ cơ hội lịch sử chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam nói chung và ngành xuất bản nói riêng; những lợi ích chuyển đổi số mang lại cũng như thách thức, yêu cầu cốt lõi nhất khi tiến hành chuyển đổi số.
Xuất bản điện tử đã và đang trở thành một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của ngành, có thể thấy rõ nhất qua việc tăng trưởng mạnh mẽ số lượng xuất bản phẩm điện tử. Cách đây 9 năm (năm 2015) mới có hơn 1 nghìn đầu sách điện tử được xuất bản thì năm 2022, toàn ngành có 3.200 đầu sách và năm 2023 là 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022.
Chia sẻ với các với cán bộ, biên tập viên NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thời công nghệ thông tin (CNTT) khác với thời công nghệ số. CNTT là dùng công nghệ để làm các việc mình đang làm nhanh hơn, còn công nghệ số là làm cái mình chưa làm. Đồng thời, mỗi ngành có một đặc thù riêng và đặt ra yêu cầu riêng, nhưng lại có một điểm chung là giải câu chuyện bằng công nghệ số. Điều đó bắt buộc người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị cần phải thay đổi suy nghĩ. Như vậy, có thể thấy chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tương lai ngành xuất bản sẽ không bao giờ biến mất và mỗi ngành đều có đặc thù riêng, đặt ra yêu cầu khác nhau nhưng lại có một điểm chung là giải quyết câu chuyện bằng công nghệ số. Điều đó bắt buộc người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải thay đổi suy nghĩ. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đang thực hiện chuyển đổi số thì việc chuyển đổi số xuất bản đang là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết đặt ra.
Theo Bộ trưởng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị trung ương của Đảng, đơn vị nòng cốt của ngành xuất bản thì phải trở thành đơn vị đi tiên phong trong chuyển đổi số.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS,TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ TTTT để hoạt động chuyển đổi số đạt được những kết quả thiết thực và hiệu quả.
Theo PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, NXB Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị nòng cốt của ngành Xuất bản, vì thế, không thể đứng ngoài xu thế chung, thậm chí còn phải trở thành đơn vị đi tiên phong, là “đầu tàu” trong hành trình chuyển đổi số để tạo động lực thúc đẩy sự tăng tốc của chuyển đổi số ngành xuất bản.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình phối hợp công tác. Việc ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi số của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đồng thời tạo điều kiện để Nhà xuất bản có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực thúc đẩy phát triển ngành xuất bản “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo chương trình ký kết, trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ đẩy mạnh phối hợp trên 6 nội dung cơ bản gồm:
(1) Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của Nhà xuất bản;
(2) Phát triển nền tảng xuất bản, phát hành điện tử; nền tảng đọc sách, tài liệu lý luận chính trị phục vụ học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên; ứng dụng công nghệ số, AI vào công tác quản lý, biên tập, phát triển thị trường của Nhà xuất bản;
(3) Triển khai các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị” gắn với công tác chuyển đổi số của Nhà xuất bản; nghiên cứu xây dựng Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị” trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
(4) Đẩy mạnh xuất bản sách về chuyển đổi số theo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và Đề án sách Trung ương đặt hàng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số; phát triển, mở rộng các tủ sách điện tử chuyên đề, xây dựng một số tủ sách điện tử tiếng nước ngoài;
(5) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, BTV và cán bộ của Nhà xuất bản, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Nhà xuất bản;
(6) Triển khai các giải pháp truyền thông sách, quảng bá sản phẩm sách điện tử của Nhà xuất bản.