Nắm bắt xu thế, tận dụng cơ hội từ trí tuệ nhân tạo

(BKTO) - Năm 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ tiếp tục thâm nhập vào nhiều lĩnh vực. Việc nắm bắt, tận dụng những cơ hội do AI mang lại sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.

xu-huong-nganh-tri-tue-nhan-tao-2024.jpg
Năm 2024 dự đoán cuộc cách mạng AI sẽ bùng nổ vì tính ứng dụng của chúng trong mọi mặt đời sống. Ảnh: ST.

AI sẽ tiếp tục hiện diện trong nhiều lĩnh vực

Theo báo cáo của McKinsey Global Institute, các quốc gia đang phát triển sẽ chi khoảng 600 tỷ USD cho AI vào năm 2030. Đây là một con số lớn, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các quốc gia đối với lĩnh vực AI.

Hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường kỹ thuật số Gartner (Mỹ) cũng nhận định, 2024 tiếp tục sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của AI. Gartner cho rằng, AI sẽ tạo ra 10% tổng số dữ liệu của thế giới vào năm 2025.

Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo, AI có thể góp phần giúp GDP toàn cầu tăng lên 7% trong 10 năm tới, tác động to lớn đến các doanh nghiệp và toàn xã hội.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng: “Toàn cầu hóa AI là một xu hướng tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia tham gia. Xu hướng này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của AI và mang lại lợi ích cho toàn nhân loại. Tham gia chủ động và có ý thức vào quá trình toàn cầu hóa AI là sứ mệnh của đất nước và mỗi người dân Việt Nam”.

Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng đang tiếp cận và phát triển công nghệ toàn cầu này với nhiều cái tên nổi trội đến từ các tập đoàn lớn như VinAI, VNPT AI, FPT AI, iCare AI, VietAI…

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024, AI sẽ tiếp tục phát triển và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam. Có thể kể đến một số ứng dụng của AI trong năm 2024 được dự đoán sẽ dẫn đầu xu thế tại Việt Nam như Chatbox AI với khả năng tương tác người dùng thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến, ứng dụng AI nâng cao hiệu quả công việc, áp dụng công nghệ AI trong an ninh mạng, ứng dụng AI để tạo ra các sản phẩm từ nhạc phẩm đến thiết kế đồ họa, AI cải thiện tính bền vững của các ứng dụng công nghệ…

Với khả năng tự học và cải tiến liên tục, các hệ thống AI có thể xử lý nhanh chóng và chính xác các thông tin, thao tác dữ liệu và phân tích dữ liệu. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện các công việc. Ngoài ra, các tính năng của AI còn giúp tăng cường tốc độ hoạt động và giảm thiểu sai sót trong các công việc...

Ứng dụng AI để nâng cao hiệu suất công việc

20231229-ta6(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các bộ, ngành và địa phương quan tâm đặc biệt phát triển các ứng dụng AI. Ảnh: mic.gov.vn.

Nắm bắt xu thế và tận dụng cơ hội, ngành thông tin - truyền thông nói chung cũng như các công ty lớn tại Việt Nam nói riêng đang tập trung vào ứng dụng AI giúp nâng cao hiệu suất và tính hiệu quả của các công việc.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dành nhiều thời gian đề cập đến ứng dụng AI. Theo Bộ trưởng, 2024 là năm ứng dụng AI và trợ lý ảo làm thay con người trong những việc nhiều dữ liệu, giấy tờ.

Ông cho rằng "AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu càng ngây ngô. Ngược lại, con người khi phải xử lý nhiều dữ liệu sẽ luôn thấy không thoải mái, thấy vất vả và có xu thế thoái thác. Vậy nên việc gì nhiều dữ liệu, giấy tờ, văn bản quy định hãy để máy tính làm".

Đưa ra ví dụ về công việc của đội ngũ công chức, Bộ trưởng cho biết số lượng văn bản, thể chế pháp luật hiện đã đạt trên con số 120.000 và liên tục tăng hằng năm. 

Theo Bộ trưởng, công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Quy định quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy, rủi ro cũng cao. Nhiều công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau.

"Một nền tảng làm việc số hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho công chức, để ít nhất 70 - 90% công việc - những công việc đơn giản nhưng dữ liệu thì lại quá lớn - sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đang chỉ đạo phát triển 4  trợ lý ảo chính, gồm: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức, trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật, trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân và trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán. Trong đó, trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán đã đưa vào sử dụng được hơn một năm, giúp giảm thời gian xử án 30%.

AI có thể làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều những công việc. Vì vậy, năm 2024 này, các bộ, ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Không chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông, các công ty lớn ở Việt Nam cũng đang tiếp tục hành trình số hóa, phát triển công nghệ AI, trợ lý ảo vào xử lý công việc. Tập đoàn Vingroup ứng dụng trợ lý ảo vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục và sản xuất hay Tập đoàn VNPT phát triển thành công các giải pháp AI trong các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, an ninh mạng…

Có thể thấy, năm 2024, AI sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng và tiềm năng. Những xu hướng mới trong ngành AI năm 2024 sẽ giúp cải thiện tính hiệu quả và ứng dụng của nó trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều tiện ích cho các Bộ, ngành, địa phương và cả nền kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Nắm bắt xu thế, tận dụng cơ hội từ trí tuệ nhân tạo