Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế
Chiều 20/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì buổi gặp mặt báo chí thông tin về công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời tham mưu ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)…
Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tài chính y tế, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, trong năm 2024, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, tài chính y tế. Trong đó, Bộ đã ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; Thông tư ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT phê duyệt giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Bộ/ngành.
Đồng thời, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tài chính y tế, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; thực hiện các giải pháp tăng bao phủ bảo hiểm y tế; đôn đốc đẩy nhanh giải ngân và kiểm tra, giám sát việc triển khai vốn đầu tư công; tiếp tục tăng cường giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; phân cấp, phân quyền triệt để thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đi đôi với hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Thứ trưởng Lê Đức Luận cũng thông tin, ngành y tế tăng cường quản lý, cấp phép, gia hạn, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá hợp lý cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp. Số lượng thuốc được cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc bằng tổng số lượng cấp, gia hạn của 05 năm gần nhất.
Đối với thiết bị, vật tư y tế, số lượng số lưu hành được cấp đã chuyển biến rõ rệt qua các năm: năm 2022 là 354 số, năm 2023 là 2.001 số và từ đầu năm 2024 đến nay là 3.147 số; hiện nay có trên 78.900 (với hơn 100.000 chủng loại) giấy phép nhập khẩu và số lưu hành đang còn hiệu lực, đảm bảo cung cấp cho thị trường và các cơ sở y tế.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh, hoàn thành kết nối dữ liệu y tế với một số thủ tục hành chính như dữ liệu giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng sinh, báo tử…; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng số: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng trạm y tế xã.
Cố gắng hoàn thành việc xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức trong năm 2025
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng thông tin đến báo chí về tiến độ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, trong năm 2024, Bộ Y tế đã phối hợp các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.
Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, do có những khó khăn, vướng mắc nên 2 dự án trên đã tạm dừng thi công từ năm 2020. Hiện nay dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã bắt đầu thi công trở lại. Các vướng mắc khá phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng, ký kết hợp đồng, triển khai dự án, có nội dung chưa tuân thủ đúng quy định tại các nghị định và thông tư.
"Vì thế, qua quá trình rà soát, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trên cơ sở vướng mắc để có cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Chỉ áp dụng các cơ chế, chính sách đó thì các khó khăn vướng mắc mới được tháo gỡ, dự án mới tiếp tục được thực hiện"- Thứ trưởng Lê Đức Luận nói.
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện nội dung liên quan đến Nghị quyết của Chính phủ để xử lý vấn đề này. Sau khi giải quyết khó khăn, vướng mắc này các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công.
"Hiện nay, về phần xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện 97%, còn 3%; cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã xây dựng được 85% chỉ còn 15%"- Thứ trưởng Lê Đức Luận thông tin.
Liên quan đến thiết bị y tế đã được phê duyệt từ năm 2014-2015, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ rà soát để đối chiếu thực tiễn thực hiện và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án gần 1.000 tỷ đồng. “Mục tiêu là nếu các khó khăn vướng mắc được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, chúng ta sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025" - Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết.