Nghệ An: Trên 39.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh Nghệ An có thêm 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và thêm 32 thôn, bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh lên 319 xã/411 xã.

uploaded-xuanhoangbna-2023_09_22-_bna-nong-thon-nghe-an-dang-tung-ngay-khoi-sac1-6902.jpg
Xây dưng NTM ở Nghệ An đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: baonghean.vn

Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An về giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh vừa làm việc với UBND tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mặc khó khăn trong thực hiện Chương trình.

Gần 12.000 km đường giao thông được xây dựng, nâng cấp

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên 39.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm 10,02%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án chiếm 8,5%; vốn tín dụng chiếm 72,3%; vốn doanh nghiệp chiếm 3,98% và vốn nhân dân đóng góp chiếm 5,2%.

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là, UBND tỉnh hỗ trợ cho các địa phương hơn 302.000 tấn xi măng, tương đương khoảng hơn 1.729km đường giao thông nông thôn. Nâng tổng số kilomet đường giao thông đã được xây dựng, nâng cấp của toàn tỉnh từ khi thực hiện Chương trình đến nay là 11.889 km, với tổng kinh phí hơn 14.646 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2023 đạt khoảng 40,5 triệu đồng/năm (tăng 8,5 triệu đồng/năm so với cuối năm 2020).

Đến nay, Nghệ An đã có 567 sản phẩm OCOP được đánh giá công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 37 sản phẩm đạt 4 sao, 529 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm 5 sao. Trong đó từ năm 2021 đến 2023 có thêm 483 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2030 là có 200 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh có thêm 374 vườn chuẩn NTM.

Từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh có thêm 39 xã đạt chuẩn NTM và thêm 32 thôn, bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh lên 319 xã/411 xã. Có 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã NTM nâng cao lên 83 xã; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17 tiêu chí/xã.

Có thêm các huyện đạt chuẩn NTM: Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và huyện Hưng Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để trình công nhận.

Qua 3 năm triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh, với tổng kinh phí đã bố trí 17 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP cho 27 chủ thể thực hiện trên địa bàn 20 huyện, thành phố, thị xã; hỗ trợ 3 điểm xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại huyện Nam Đàn, TP. Vinh và thị xã Hoàng Mai.

Cùng với đó, thưởng cho 226 chủ thể với 361 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên từ năm 2021-2022 với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh, đến nay đã có 36 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2025 gần 65 tỷ đồng.

Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách

Đánh giá cao những kết quả mà UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương các cấp đã đạt được trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023, song qua giám sát, Đoàn Giám sát chỉ ra: Việc ban hành, đề xuất sửa đổi một số nội dung về quy định, chính sách còn có bất cập, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM chưa kịp thời. Việc triển khai một số nội dung thành phần, chỉ tiêu, tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn, quá cao so với thực tế như cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tổ chức sản xuất, thu nhập,... nhất là ở các huyện miền núi, kéo theo ảnh hưởng chính sách của người dân, dẫn đến tâm lý không muốn xây dựng NTM.

Mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An có ít nhất 340 xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 136 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến năm 2025 có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh đó, việc triển khai các tiêu chí như: Thu nhập bình quân đầu người; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bảo hiểm y tế; tiêu chí trường bắn bảo đảm các điều kiện của quốc phòng; tiêu chí giảm các hình thức vi phạm pháp luật trong khi các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao... ở một số địa phương cũng gặp khó.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát và UBND tỉnh đã trao đổi, tìm hướng tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhất là về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030 sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Đối với các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phân bổ chi tiết theo quy định, trong trường hợp có đề xuất điều chỉnh của các đơn vị, địa phương đề nghị HĐND tỉnh giao nhiệm vụ ủy quyền cho UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh để đảm bảo thời gian thực hiện và giải ngân.

Về các kiến nghị của Đoàn Giám sát, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, kịp thời.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi - Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị UBND tỉnh quan tâm rà soát, hoàn thiện lại các quy hoạch gắn với quy hoạch tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh nên đề xuất với Trung ương trong việc khuyến khích các xã vùng miền núi xây dựng NTM; tăng cường xây dựng thôn, bản NTM…/.

Cùng chuyên mục
Nghệ An: Trên 39.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới