Với chuyên ngành được đào tạo về tài chính, kế toán, kiểm toán, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi đã ước mơ một ngày nào đó được đứng trong hàng ngũ kiểm toán viên (KTV) nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đại học, qua thời gian trải nghiệm thực tế 8 năm với nghề kế toán trong doanh nghiệp nhà nước, tôi đã rất vinh dự khi trúng tuyển vào Kiểm toán nhà nước (KTNN). Với tôi, đây vừa là cái duyên và cũng là may mắn. Tôi chọn nghề kiểm toán vì nghề cho tôi cơ hội được tiếp cận những kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực. Với yêu cầu năng lực chuyên môn cao, bản thân tôi có điều kiện được phát triển nghề nghiệp. Đặc biệt, tôi được góp sức mình cùng anh chị em đồng nghiệp trong Ngành góp phần minh bạch, lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Qua hơn 16 năm công tác tại KTNN, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ, kỷ niệm liên quan đến việc thực hiện kiến nghị kiểm toán khi tôi còn công tác tại Phòng Tổng hợp đã để lại trong tôi dấu ấn khó phai. Có thể nói, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán không chỉ thể hiện ở kết quả kiểm toán mà còn thể hiện ở kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Năm 2021, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán trên địa bàn quản lý của KTNN khu vực IV chưa cao. Ngoài nguyên nhân khách quan liên quan đến vướng mắc về chính sách, đơn vị được kiểm toán chưa chủ động thực hiện nghiêm các kiến nghị, hay chưa có chế tài xử phạt đối với việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện các kết luận, kiến nghị… thì còn có nguyên nhân đơn vị được kiểm toán chưa thống nhất, còn có văn bản giải trình về kiến nghị kiểm toán.
Để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán; không để phát sinh khiếu nại, khởi kiện và hạn chế phát sinh việc phải trả lời kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, chúng tôi đã đề xuất thực hiện một số giải pháp. Trước hết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của KTV trong việc thu thập và lưu trữ bằng chứng kiểm toán, vì đây là bộ phận trực tiếp, là khâu đầu tiên đưa ra xét đoán nghề nghiệp để hình thành các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tổ/Đoàn kiểm toán phải tăng cường thảo luận, nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán nhằm thu thập và xem xét một cách kỹ lưỡng các bằng chứng liên quan.
Bên cạnh đó, thành viên các Tổ kiểm soát phải được lựa chọn từ các KTV có kinh nghiệm, chuyên môn tốt để tham mưu tốt cho Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán trong việc rà soát kết luận, kiến nghị kiểm toán, kịp thời phản biện, mạnh dạn đề xuất điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp hoặc yêu cầu KTV củng cố thêm bằng chứng khi xét thấy kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đảm bảo tính khách quan, chưa đầy đủ bằng chứng.
Ngoài ra, Tổ kiểm soát và Tổ kiểm toán phải tăng cường phối hợp, khắc phục tình trạng Tổ kiểm toán không gửi hoặc gửi không kịp thời hồ sơ kiểm toán cho Tổ kiểm soát, dẫn đến việc Tổ kiểm soát không kiểm soát được đầy đủ bằng chứng kiểm toán, các hồ sơ kiểm toán chưa được đơn vị ký xác nhận đầy đủ; các vấn đề đơn vị còn giải trình hoặc chưa chấp nhận. Đặc biệt, Tổ kiểm soát tập trung kiểm soát Thông báo kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán do Tổ kiểm toán lập trước khi Kiểm toán trưởng ký phát hành, đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán tại Thông báo kiểm toán của đơn vị được kiểm toán phải phù hợp với Báo cáo kiểm toán phát hành.
Với sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của lãnh đạo KTNN và lãnh đạo KTNN khu vực IV trong công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, năm 2022, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đã được nâng cao. Theo đó, tổng số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện đạt 84,35%, tổng số kiến nghị xử lý khác đã thực hiện đạt 84,09%, cao hơn tỷ lệ thực hiện kiến nghị năm 2021 (66,98%) và cao hơn tỷ lệ thực hiện bình quân toàn Ngành; đã hạn chế việc phải trả lời kiến nghị và không phát sinh việc khiếu nại, khởi kiện của đơn vị được kiểm toán./.
XUÂN HỒNG (ghi)