Các DN dệt may đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động tay nghề cao do thay đổi chính sách về BHXH. Ảnh: TK
Phản ánh về tình trạng này đã và đang diễn ra tại các DN trong ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Phó ban chính sách, Công đoàn Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết, đặc thù của ngành dệt may khi vận hành máy may công nghiệp thì được coi là công việc nặng nhọc, độc hại nên lao động nữ chỉ cần đủ 50 tuổi và có 20 năm đóng BHXH là được nghỉ hưu. Vì vậy, trước thềm chính sách mới có hiệu lực, những người sinh từ năm 1969, 1970 trở về trước (khi đã đủ 46 tuổi theo quy định) họ đang cân nhắc việc nghỉ hưu trước tuổi vào thời điểm năm nay hoặc cùng lắm là đến 31/12/2017.
Bà Hoàn phân tích, Luật BHXH 2014 quy định, bắt đầu từ ngày 01/01/2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi một năm làm việc, người lao động không phân biệt nam, nữ sẽ được tính thêm 2%/năm để đạt mức tối đa 75%. Trong khi đó, nếu như người lao động về hưu trước thời điểm trên mà đặc biệt là lao động nữ, khi nghỉ hưu trong 15 năm đầu họ vẫn được hưởng 45% và cứ mỗi năm sau đó cho đến trước thời điểm 01/01/2018 họ được tính thêm 3%. Do đó, trong trường hợp mà người lao động tiếp tục làm việc đến qua thời điểm 01/01/2018 thì họ vừa mất thời gian, công sức làm việc, phải đóng thêm BHXH và khi về hưu thì tỷ lệ mức lương hưu lại bị thấp hơn nên nhiều người cân nhắc, chạy đua với chính sách để được hưởng mức lương cao.
Dẫn chứng cụ thể tại Tổng công ty May 10, ông Trần Mạnh Cường - Phó Phòng tổ chức hành chính, cho biết, May 10 cũng có khá nhiều trường hợp người lao động xin nghỉ hưu sớm, nhất là khi Luật BHXH 2014 có sự thay đổi về độ tuổi giám định suy giảm khả năng lao động để nghỉ hưu hưởng lương (từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động), nhiều người lao động đã xin thôi việc để được hưởng theo quy định cũ.
DN mất người tài
Khi người lao động “lách luật” để nghỉ hưu sớm dẫn đến những bất cập, khó khăn trong việc sử dụng lao động của DN. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn, khi nghỉ hưu sớm, về phía người lao động, họ chỉ mất việc làm trong thời gian họ không ổn định tại DN, nhưng khi ra ngoài họ có thể tìm được công việc khác phù hợp với khả năng của họ. Còn bản thân DN thì chịu thiệt hại nhiều. Bởi vì, để có một lao động giỏi, có tay nghề phải mất nhiều năm mới đào tạo được, những người trong độ tuổi này đã có thâm niên làm việc trên dưới 20 năm thì hầu hết họ là những người có trình độ tay nghề cao.
Đơn cử như đối với công nhân vận hành máy may công nghiệp, ở độ tuổi “nghỉ hưu sớm”, đa phần họ đã là công nhân bậc 5, bậc 6. Hàm lượng giá trị sức lao động trong các sản phẩm họ làm ra gấp mấy lần so với lao động mới vào nghề. Trong dây chuyền may, họ thường đảm nhận những công đoạn khó và những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Vì thế khi họ thôi việc thì dây chuyền sẽ bị đứt, gẫy, việc bố trí lại dây chuyền sẽ khó khăn và còn rất nhiều bất lợi khác đối với DN như: giảm sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả, giảm lợi nhuận, tăng chi phí đào tạo, quản lý…
Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo ông Trần Mạnh Cường, thực tế rất nhiều lao động muốn ở lại tiếp tục làm việc nhưng khi suy tính đến mức hưởng lương hưu sau này sẽ bị thiệt vì thay đổi chính sách nên họ phải chấp nhận nghỉ sớm. Nhiều người nghỉ hưu xong cũng muốn sẽ quay lại làm việc nhưng Tổng công ty đã có quy định không nhận lại những lao động này để tránh tạo tiền lệ. Thậm chí nếu có nhận lại thì DN buộc phải thực hiện chế độ đối với lao động cao tuổi và như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận hành sản xuất, kinh doanh của DN.
Trước thực trạng này, trong các diễn đàn đối thoại chính sách, đại diện các DN đã kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng cần tính đến đặc thù nghành nghề trong thực hiện chính sách nghỉ hưu. Theo các DN, dù Luật đã ban hành xong rất cần có chính sách, văn bản điều chỉnh nhằm khuyến khích người lao động trong một số ngành đặc thù cống hiến nhiều hơn còn DN thì tận dụng được người tài để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
NGUYỄN HỒNG