Nghị quyết 68 - chiếc cầu bắc qua dòng nước siết

(BKTO) – Đánh giá cao ý nghĩa của Nghị quyết số 68-NQ/CP (Nghị quyết 68), ông André Gama - Phụ trách Chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - ví von Nghị quyết là chiếc cầu bắc qua dòng nước siết, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão COVID-19.



                
   

Ông André Gama - Phụ trách Chương trình về An sinh xã hội,
   ILO tại Việt Nam -Nguồn: ILO

   

Theo ông André Gama, đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới rơi vào khủng hoảng cả về y tế và kinh tế. Khi các chính phủ hành động để ngăn chặn đại dịch, nhiều nỗ lực lại gây tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Do đó, các chính phủ đã bắt buộc phải bổ sung các biện pháp hỗ trợ đời sống của người dân kèm theo các chính sách bảo vệ y tế cộng đồng.

Tại Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức trong lực lượng lao động ở mức cao (71%, bao gồm cả lao động trong ngành nông nghiệp) đặt ra thách thức lớn khi thiết kế và thực hiện các gói hỗ trợ liên quan đến COVID-19. Do nhiều người lao động không được ghi nhận trong các hệ thống dữ liệu chính thức, các chương trình hướng tới một số nhóm lao động cụ thể có thể trở nên rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian để có thể thực hiện được.

Đó là một trong những lý do vì sao ILO nói riêng và Liên Hợp Quốc nói chung thường khuyến khích các biện pháp hỗ trợ COVID-19 nên có cách tiếp cận mang tính đại chúng. Tất nhiên, các chương trình mang tính đại chúng thường tốn kém hơn. Do đó, chúng ta có thể tính đến phương án nằm ở giữa các chương trình dành cho toàn dân và các chương trình hướng tới các nhóm đối tượng hẹp.

Chẳng hạn, các gói hỗ trợ COVID-19 có thể hướng tới các nhóm dân số cụ thể chịu tác động nặng nề của đại dịch (như một số tỉnh thành hoặc các ngành kinh tế cụ thể), từ đó áp dụng cho toàn bộ dân số trong các nhóm này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, trong một thế giới đang hội nhập ngày càng sâu rộng, suy giảm kinh tế có thể nhanh chóng lan từ một ngành hoặc khu vực địa lý này sang các ngành hoặc khu vực khác.

Khi chúng ta tìm cách vượt qua dòng lũ quét do đại dịch COVID-19 mang lại, điều quan trọng là chúng ta phải đứng vững được dựa trên các nguyên tắc đoàn kết đã tạo dựng nên xã hội. Trong quá trình đó, chúng ta nên chấp nhận phương án sẽ hỗ trợ cả những người mà không cần giúp đỡ hơn là rủi ro sẽ không hỗ trợ được những người đang rất cần được giúp.

“Nghị quyết 68 là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả từ các gói hỗ trợ của Chính phủ tại Việt Nam bằng cách bổ sung các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. Giờ là lúc chúng ta cần chờ đợi quá trình thực hiện để có thể đánh giá mức độ thành công của chính sách mới này.”- đại diện ILO khẳng định, đồng thời tin rằng các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đang đi đúng hướng và chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai chương trình ngay cả khi làn sóng COVID-19 hiện tại vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ông André Gama đặc biệt lưu ý quá trình vượt qua những dòng nước siết ấy cũng đồng thời mở ra những cơ hội quan trọng. Nhiều chính phủ trên thế giới hiện nay đang mở rộng cánh cửa đăng ký để người lao động phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách miễn giảm đóng góp và cho họ được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ COVID-19 nhất định. Nếu Việt Nam có thể áp dụng sáng kiến tương tự, điều đó sẽ trở thành một thành tố quan trọng bổ sung cho các nỗ lực hiện tại để đạt được mục tiêu che phủ bảo hiểm xã hội đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân).

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, khi Chính phủ đang thảo luận sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để suy ngẫm xem làm thế nào có thể đẩy mạnh hệ thống an sinh xã hội nhằm đối phó tốt hơn với những thách thức trong tương lai. Nếu hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam có khả năng phản ứng tốt hơn với các cú sốc, chúng ta sẽ có thể đảm bảo rằng, trường hợp xảy ra khủng hoảng lần tới, Chính phủ sẽ không phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay khi triển khai hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng.

Một vấn đề nữa là sẽ luôn tồn tại sự đánh đổi giữa đảm bảo công bằng khi triển khai hỗ trợ, tốc độ triển khai với không gian tài khóa cần thiết cho mỗi gói hỗ trợ COVID-19 khác nhau.

Để chèo lái con thuyền vượt qua giông bão, Chính phủ cần thảo luận và tìm ra sự cân bằng tối ưu giữa các phương diện khác nhau đó. Trong quá trình này, cần luôn ghi nhớ rằng, biện pháp hỗ trợ tiền mặt cho người lao động có thể tạo ra những tác động tích cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế như những gì trên thế giới đã cho thấy.

ILO luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. “Chúng tôi kêu gọi người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết 68 trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư, là chiếc cầu bắc qua dòng nước siết, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão COVID-19 này” - André Gama nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC (ghi)
Cùng chuyên mục
Nghị quyết 68 - chiếc cầu bắc qua dòng nước siết