Theo UBND Thành phố Hà Nội, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), đến thời điểm hiện tại, Thành phố đã hoàn thành kết nối chính thức Hệ thống Hồ sơ sức khỏe với mạng số liệu chuyên dùng CPNet; rà soát trang thiết bị và đường truyền tại các Trung tâm y tế, bệnh viện trực thuộc Thành phố phục vụ việc triển khai Hệ thống; 100% các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực thuộc các đơn vị được cấp chữ ký số cá nhân, tổ chức.
Thành phố hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống đạt tỷ lệ 100% và tổ chức 5 lớp tập huấn cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh của 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức Online qua phần mềm Zoom metting. Tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 30 phòng khám đa khoa và 246 Trạm Y tế (tăng 327 đơn vị so với thời điểm 25/01/2024).
Các cơ sở y tế phải triển khai được sổ sức khỏe điện tử dù là công lập hay tư nhân. To hay nhỏ đều phải tham gia hệ thống, mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ việc này.Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Bên cạnh đó, hơn 8 triệu người dân trên địa bàn Thành phố được khởi tạo từ Hệ thống Tiêm chủng Vaccine Phòng Covid-19 và phần mềm Quản lý Khám chữa bệnh, Tiêm chủng Quốc gia lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử. Thành phố cũng đã tổ chức đồng bộ 1.135.898 hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID.
Đến thời điểm hiện tại, Thành phố đã tiếp nhận 85.675 hồ sơ liên thông khai sinh và 5.031 hồ sơ liên thông khai tử. Tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến khai sinh đạt 99% và khai tử đạt 25,6%.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm Kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện Xanhpon, Đống Đa: Giai đoạn 1 từ ngày 18/5/2023 đến 22/9/2023 với 1 Kiosk tại Cổng số 05, Bệnh viện Xanhpon - mỗi ngày tiếp đón 100 lượt qua Kiosk; giai đoạn 2 từ ngày 23/9/2023 đến nay với 5 Kiosk tại Cổng số 5 của Bệnh viện Xanhpon - Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt tiếp đón qua Kiosk; đang triển khai 1 Kiosk tại bệnh viện Đống Đa.
Các Kiosk này sẽ có chức năng: đăng ký khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế; đăng ký khám thu phí; đăng ký khám dịch vụ; đăng ký khám ưu tiên; Thông báo lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân; Đổi giấy phép lái xe và có nhiều chức năng nữa trong thời gian tới và Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình ra thêm 39 bệnh viện trên địa bàn.
Về tiến độ thí điểm học bạ số ở Hà Nội, đến nay, 100% trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; 100% thông tin học sinh tiểu học đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo xác thực định danh với dữ liệu dân cư.
100% trường tiểu học đã trang bị ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; trên 60% giáo viên, nhân viên đã được trang bị ký số cá nhân. 100% giáo viên, nhân viên trường tiểu học đều có trình độ công nghệ thông tin để có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục.
Liên quan đến việc triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn, từ ngày 09/02/2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm 3 bãi đỗ xe máy và 4 bãi đỗ ô tô tại Phủ Tây Hồ và Chùa Trấn Quốc. Một số kết quả như tỷ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm đạt trên 50% đối với xe máy; gần 70% đối với ô tô.
Thành phố đang xây dựng Hệ thống giao thông thông minh, trong đó có tính năng của Hệ thống là Thu phí thông minh từ tìm kiếm đến thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe. Trước 30/3, Sở Giao thông vận tải có kế hoạch tổng thể triển khai toàn Thành phố trong tháng 3/2024. Sau đó, Thành phố sẽ thí điểm tại các điểm đỗ của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ để rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn Thành phố.